Chúng ta thường nói về Ý tưởng lớn (Big idea). Hãy xem Bậc thầy David Ogilvy đưa ra 5 tiêu chí nào cho Ý tưởng lớn trong quảng cáo: 1. Lần đầu tiên xem xét ý tưởng đó, tôi có ngạc nhiên không? 2. Tôi muốn tự mình nghĩ ra ý tưởng đó không? 3. Ý tưởng đó có độc nhất không? 4. Ý tưởng đó có mang lại sự hoàn hảo cho chiến dịch không? 5. Ý tưởng đó có hoạt động hiệu quả trong 30 năm không? Ông Ogilvy quan niệm Ý tưởng lớn sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng và khiến họ mua sản phẩm. Một người đề cao tính hiệu quả của quảng cáo (“quảng cáo hoặc là bán được hàng, hoặc chỉ là đồ vứt đi”) cũng nhấn mạnh sự mới lạ, độc đáo của Ý tưởng cốt lõi. Ngày nay, trong xã hội quá tải thông tin, bội thực quảng cáo, lời khuyên trên càng chính xác. Hiểu theo nghĩa rộng là làm gì, trong bất cứ môi trường nào, cũng cần những ý tưởng tốt. Viết tút trên phây. Copywriting, contentwriting trong các bài viết chuyên môn. Viết kiểu giải trí câu like. Chụp hình. Làm viral clips. Thực hiện chiến dịch truyền thông, tiếp thị…Ý tưởng giống như mạch máu nuôi sống toàn bộ các hoạt động của cơ thể. Ý tưởng lớn cần “wow” khi lần đầu được tìm ra. Nó có tính khả thi cao khi được nuôi dưỡng, phát triển và ứng dụng. Nó khiến ta vui sướng, tự hào từ khi thai nghén đến lúc thành hình. Ý tưởng phải đủ lớn và mạnh để thành công. Giúp ta bán được hàng cho công ty, hoặc phục vụ cho mục tiêu của mình, của khách hàng. Đôi khi ý tưởng cốt lõi hình thành từ việc cải tiến những thứ đã có sẵn theo hướng tốt hơn. Không nhất thiết phải tạo ra một điều hoàn toàn mới. Big idea không cần duy trì hiệu quả lâu đến 30 năm như ông Ogilvy nói. Thời đại mọi thứ thay đổi nhanh chóng như hiện nay chỉ tồn tại bền vững và được khách hàng nhớ đến trong 5-10 năm là thành công rồi. Nhiều người nghĩ tìm ra Ý tưởng lớn thật đơn giản. Không dễ vậy đâu! Cứ thử nghĩ ra ý hay cho bài viết hữu ích, status thu hút xem. Sáng tạo một cái tên, câu slogan hay thiết kế logo hấp dẫn về ngôn từ, hình ảnh, phù hợp với thương hiệu cũng vậy. Nhiều lúc vật vã, trăn trở vì có quá nhiều ý tưởng. Nhưng không chủ đề nào đủ nguyên liệu, ý xuất sắc để triển khai để trở thành ý tưởng thật sự sáng tạo. Chưa tìm ra ý tưởng lớn thì cứ nghĩ ý tưởng bé trước. “Tích tiểu thành đại” vậy!