XEM FEDERER CHƠI TENNIS, NGẪM VỀ ĐỨC TÍNH CỦA NHÀ QUẢN TRỊ!

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi devondale, 5/4/17.

  1. devondale

    devondale Thành viên

    Là một người đam mê quần vợt, đặc biệt là một fan hâm mộ của Roger Federer, tôi hầu như không bỏ xem một trận thi đấu nào của anh.

    Giải đấu nào có Roger tham dự thì tôi nhất định phải xem. Giống như cánh đàn ông ham mê bóng đá vậy. Có hôm tôi còn một mình thức đêm để xem ( mặc cho chồng đi ngủ!) Nhưng, tôi không chỉ xem tennis và hâm mộ Roger đơn thuần, mà tôi xem cách anh ấy chơi tenis và thường xuyên ngẫm nghĩ về những đức tính cần có của một người lãnh đạo. Tôi hướng tới một mẫu người lãnh đạo như vậy.

    Chủ động tấn công. Người ta luôn thích xem Federer chơi tennis bởi lối chơi giao bóng, lên lưới, chủ động tấn công ở mọi tình huống của anh. Có thể nói, Roger sở hữu những cú giao bóng tốt nhất, dù lực không quá mạnh nhưng bóng xoáy và điểm rơi rất khó đoán. Giao bóng tốt, dứt điểm nhanh gọn là phong cách thi đấu của anh. Rất nhiều điểm anh ấy ghi được chỉ sau 3 lần chạm vợt. Vì vậy, để bẻ được game giao bóng của anh, không phải là điều dễ dàng. Nhà quản trị như chúng ta cũng vậy, luôn luôn chủ động ở mọi tình huống, xử lý nhanh gọn, dứt điểm, luôn đưa ra giải pháp là một đức tính cần thiết không thể thiếu.

    Ngoài lối chơi hoa mỹ, chủ động tấn công, Federer còn chứng tỏ bản lĩnh của mình tại những thời khắc quyết định. Nếu bạn xem giải Master Miami 1000 gần nhất mà anh ấy tham dự thì từ vòng 4 đến bán kết, số điểm khác biệt so với đối thủ là không nhiều. Nhưng, tại những thời điểm quyết định, Federer luôn là người ghi điểm. Với doanh nghiệp, trong những thời khắc khó khăn, vai trò lãnh đạo lại càng lớn. Phải đương đầu với những vấn đề chưa từng gặp đòi hỏi chúng ta phải ra quyết định chính xác- những quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp. Ra quyết định và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình ( dù đúng dù sai) chứng tỏ bản lĩnh của một nhà quản trị có năng lực.

    Điềm đạm và khiêm nhường. Người ta thấy một Djokovic giật tung cúc áo ngực, chỉ tay vào đầu sau chiến thắng để kêu gọi người hâm mộ tán thưởng. Hay một Andy Muray luôn lảm nhảm mỗi lần đưa bóng không như ý muốn. Nhưng với Federer, mỗi lần có cú bóng hay, anh quay lại vị trí xuất phát với một cái nắm tay nhẹ nhàng. Rất hiếm khi thấy Roger đập vợt hay quát tháo ai đó vì không bằng lòng với những cú đánh của mình. Người ta hâm mộ anh không chỉ bởi anh đã giành được 18 Grand Slam trong sự nghiệp (và có thể hơn nữa ) mà hâm mộ bởi đức tính điềm đạm vào khiêm nhường ấy. Sau khi giành Grand Slam số 18 tại Australia năm nay, anh phát biểu : “Tennis là môn thể thao khắc nghiệt. Nó không có kết quả hòa. Nhưng nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ hài lòng với tỷ số hòa tối nay và chia sẻ với Rafa” . Vậy, chúng ta thì sao? Doanh nghiệp là một quần thể với những mâu thuẫn nội tạng phức tạp và chịu nhiều tác động của bên ngoài. Người lãnh đạo hay điều hành gặp muôn vàn điều bực dọc, khó khăn, nếu không bình tĩnh, điềm đạm thì sự sáng suốt sẽ mất đi, lúc đó quyết định sẽ trở thành võ đoán và làm ức chế những người xung quanh. Còn về sự khiêm nhường ư? Tôi vẫn nhớ rất rõ bài viết rất hay về bông lúa “ bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”!

    Tuổi tác chỉ là con số. Người ta không thể ngờ rằng, khi gần bước sang tuổi 36, Federer lại trở lại thời kỳ đỉnh cao như vậy. Vô địch Grand Slam thứ 18 và gần đây nhất là 2 giải Master 1000 nâng tổng số danh hiệu là con số 92. Liên tục di chuyển nhanh lẹ, nhẹ nhàng và thanh thoát như một vũ công, phía bên kia lưới là những đối thủ trẻ hơn anh, mạnh hơn anh … nhưng lại mắc sai lầm hơn anh. Đối với Roger, quả thật, tuổi tác chỉ là con số. Gần đây, tôi có đọc 1 bài rất hay trong Group nội dung về những kinh nghiệm quản lý, bạn ấy nói, 23 tuổi, bạn đã nhận quyết định làm trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng. Hay với anh Lâm Minh Chánh, khởi nghiệp khi bước qua tuổi 40! Điều đó chẳng chứng tỏ tuổi tác không hề quan trọng với chúng ta sao? Chúng ta không quan tâm đến tuổi tác, mà cái cần quan tâm là tài năng, kiến thức và thái độ ( và cả Gut feeling nữa) có đúng không ạ?

    Coi trọng gia đình. Người ta vẫn còn nhớ mãi cái ôm của cô vợ Mirka sau khi anh mang chiếc cúp Autralian Open trên tay. Hay tại chung kết Master cup năm 2006, trên bục nhận giải anh nói: “ Một số người nói rằng tôi là người tuyệt vời nhất, nhưng tôi cần Mirka để là người tuyệt vời nhất”. Người ta biết đến Federer là một ông bố hoàn hảo với 4 đứa con. Và đối với tôi, dù là người giàu có, kinh doanh thành công đi chăng nữa, thì mục đích cuối cùng cũng là vì gia đình. Hôm nay, tôi có đọc stt của Anh Sơn Đức Nguyễn nói về chuyện, có những người đàn ông quên không mua váy cho vợ, không mua sữa cho con nhưng khi khách hàng cần thì họ sẵn sàng đi ngay. Nhưng tôi nghĩ bên cạnh niềm đam mê như anh nói thì chính gia đình mới là động lực khiến anh ấy chiều chuộng khách hàng như vậy.

    Cuối cùng, và quan trọng nhất đó là : Feferer chính là người “Truyền cảm hứng cho những người yêu quần vợt!” Federer chỉ vừa mới đi bộ vào sân đấu, kéo khóa túi đồ để rút vợt ra, chừng đó đã đủ kích thích cảm xúc nơi nhiều người hâm mộ trên khán dài. Bất kỳ nơi đâu anh thi đấu thì đó đều là sân nhà của anh. Nhà quản trị cũng vậy! Dù chúng ta có công cụ, phương pháp, “ môn võ” nào đi chăng nữa nhưng chúng ta không chiếm được “ Lòng người” thì thành công thật là khó. Bởi, tôi nhớ 1 câu rất hay trong 1 stt mà tôi đã đọc “ Lòng người là quan trọng nhất.”

    Vậy đó, tôi mê Tennis, hâm mộ Federer và tôi còn học được nhiều bài học quản trị từ môn thể thao này. Tôi luôn hướng đến phong cách lãnh đạo mang hơi hướng của Federer. Và tôi biết, trong Group QTvKN cũng có 1 người thầy có phong cách quý ông ấy – Hào hoa, lịch lãm và đẳng cấp. Bạn thử đoán xem đó là ai nhé?

    Bùi Thị Thu Hằng.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng