Lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau và đòi hỏi các năng lực khác nhau. Nhà quản lý giải quyết vấn đề “làm việc đúng cách” (nghĩa là trả lời câu hỏi: “Phải làm như thế nào để đạt được mục tiêu công việc?” và tổ chức thực thi nó), mà không cần biết tại sao mình lại phải làm công việc đó. Nhà lãnh đạo lại giải quyết vấn đề “đâu là công việc đúng phải làm?” (nghĩa là trả lời câu hỏi: “Phải làm gì?” và “Tại sao phải làm công việc đó?”, rồi sau đó là tập hợp đội ngũ và truyền cảm hứng cho họ thực hiện công việc đó). Chính do tính chất công việc khác nhau như vậy, mà đòi hỏi năng lực thực hiện của mỗi bên cũng khác nhau. Đối với nhà quản lý thì cần phải có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong việc xác lập mục tiêu, lập kế họach thực hiện, phân chia công việc, giám sát và hỗ trợ thực hiện. Còn đối với một nhà lãnh đạo thì lại cần phải có tầm nhìn, khả năng tập hợp đội ngũ (bao gồm khả năng nhìn người, khả năng thu phục lòng người), khả năng trao quyền (hay khả năng dùng người) và khả năng truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình. Một nhà đầu tư giỏi lại có thể không cần có các năng lực nói trên của cả nhà lãnh đạo, lẫn nhà quản lý. Bởi vì công việc của nhà đầu tư lại hoàn toàn khác. Đó là việc phát hiện, nắm bắt và khai thác các cơ hội kiếm ra tiền. Năng lực cần có của họ là sự nhạy bén với các cơ hội, cụ thể là có sự nhạy bén trong việc phát hiện, có khả năng nắm bắt tốt và có khả năng khai thác tốt các cơ hội kiếm tiền. Câu hỏi mà họ cần phải trả lời ở đây là: “Có nên bỏ tiền ra để đầu tư cho cơ hội này hay không?” Một doanh nhân khởi nghiệp, trên thực tế phải làm công việc của cả 3: nhà đầu tư, nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Do vậy, để khởi nghiệp thành công thì doanh nhân khởi nghiệp vừa phải là một nhà đầu tư giỏi, lại phải vừa là một nhà lãnh đạo giỏi và cũng phải là một nhà quản lý giỏi. Có môt điều cần lưu ý là việc quản lý trong một doanh nghiệp khởi nghiệp, khác xa so với việc quản lý trong một tập đoàn đa quốc gia. Việc quản lý trong một tập đoàn đa quốc gia, là quản lý sự gia tăng quy mô (tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp) theo những mô hình chuẩn và có sẵn. Nhà quản lý đơn thuần là làm đúng theo các quy định, quy trình có sẵn, mà họ đã được đào tạo. Còn việc quản lý trong một doanh nghiệp khởi nghiệp lại khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Nó bao gồm 2 hoạt động, tương ứng với 2 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoạt động quản lý thứ nhất là quản lý việc dò tìm, xây dựng, thử nghiệm và điều chỉnh mô hình kinh doanh trong giai đoạn Lean startup của doanh nghiệp. Hoạt động quản lý thứ hai là quản lý sự gia tăng quy mô (theo mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng thành công trong giai đoạn Lean startup) của doanh nghiệp. Hoạt động quản lý thứ hai được thực hiện trong giai đoạn Scaleup của doanh nghiệp. Hoạt động quản lý thứ hai này tương tự với hoạt động quản lý trong một tập đoàn đa quốc gia. Chính vì vậy, những nhà quản lý giỏi trong một tập doàn đa quốc gia, không có nghĩa rằng họ cũng sẽ là những nhà quản lý giỏi trong một doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi vì họ có thể giỏi trong việc quản lý sự gia tăng quy mô, nhưng họ chưa chắc đã biết cách quản lý việc dò tìm, xây dựng, thử nghiệm và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Rất hiếm khi tìm được một người hội tụ đủ cả 3 năng lực: đầu tư, lãnh đạo và quản lý tốt nơi một con người. Điều này lý giải tại sao có rất ít doanh nhân khởi nghiệp thành công và tỷ lệ các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại lại cao đến như vậy. Hiện nay trên thế giới và tại Việt nam, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như cá nhân đang có những hoạt động đào tạo, nhằm hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp nâng cao năng lực khởi nghiệp. Nhưng hầu hết các chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay đều tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực quản lý (chỉ cách làm), hoặc đưa ra những lời khuyên, truyền cảm hứng. Những chương trình này rất hay nhưng hiệu quả lại không cao. Bởi vì doanh nhân khởi nghiệp không phải giống như một người thợ, bảo sao làm vậy, mà họ đòi hỏi phải biết lý do vì sao mà họ phải làm những công việc đó? Các chương trình đào tạo nói trên đều hướng đến việc dạy cho họ biết phải làm gì và làm như thế nào, nhưng lại không làm rõ cho họ biết lý do tại sao họ lại phải làm những điều đó, có ích gì cho họ? Kết quả chúng chỉ là những lý thuyết đẹp mà họ không thể áp dụng trong thực tế. Nếu có một chương trình đào tạo, giúp cho các doanh nhân khởi nghiệp biết lý do tại sao họ cần phải làm những điều đó (là những điều mà các chương trình đào tạo khởi nghiệp hiện nay đang dạy cho họ)? nếu họ làm những điều đó thì sẽ có lợi ích gì cho họ và cho doanh nghiệp của họ? thì khả năng họ sẽ mang những điều đã học ra ứng dụng trong thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay và do vậy khả năng thành công trong khởi nghiệp cũng sẽ gia tăng hơn rất nhiều. Rất tiếc là hiện nay trên thị trường đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp chưa có một chương trình như vậy, cho nên các doanh nhân khởi nghiệp tốt nhất là hãy tự mình tìm cách để giải quyết vấn đề.