A. Vụ lùm xùm bài hát, có người góp ý: chỉ nên có danh sách bài hát cấm, không cần xin-duyệt-cho. Ngây thơ thế: 1. Vậy giải thích như thế nào về việc cần một bộ máy TO đến vậy từ trung ương đến địa phương chỉ để quản lý một danh sách mấy tờ A4. Chưa nói đến việc kèm theo bộ máy đó lại có chính - đảng - công - thanh, phụ - binh - lão - ấu... Nên nhớ rằng ngoài mục đích công việc, chúng ta còn mục đích giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. 2. Không có xin-cho thì lấy đâu ra thóc-lúa. Nước trong leo lẻo thì cá sống bằng gì. Sống ở đời là phải tỏ ra quyền lực, tỏ ra nguy hiểm. Thế nên bây giờ mới có chuyện đến năm mới, muốn hát Happy New Year hay đến sinh nhật muốn hát Happy Birthday thì phải cầm bản gốc có chữ ký cho phép của tác giả lên Cục để xin phép. May quá, may mà không có bài hát nào để ru cho trẻ ị. Chứ không, kẹt à nha... ---------------------- B. Đừng cười dễ dãi, việc tương tự có thể đang diễn ra trong doanh nghiệp hay tổ chức của bạn: a. Khi bạn đang đặt vai trò của một cá nhân hay phòng ban nào đó lên trên sự rõ ràng và khách quan của những tiêu chí, quy chuẩn và quy chế; b. Khi bạn hoặc ai đó đang phải trực tiếp xét - duyệt - ký quá nhiều; c. Khi có quá nhiều việc đang tắc lại, chờ một phòng ban, cá nhân hay công đoạn nào đó; d. Khi bạn thấy một nhân viên phải khệ nệ quà cáp, hoặc khúm núm trước ai đấy hay nịnh người nào đấy (kể cả người đó là chính bạn). e. Khi những lý do để giải thích không phải là: hiệu quả hơn, nhanh hơn, tốt hơn trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng mà lại là những lý do rất ư là nội bộ. Chúng ta hay cười việc của xã hội, nhưng lại dễ dãi (và đôi khi là ngụy biện) cho những vấn nạn trong chính tổ chức của chính mình. Nên nhớ rằng nhân viên ta, khách hàng ta cũng có thể đang nghĩ về ta như ta đang nghĩ về chính quyền trong trường hợp này. ---------------------- C. Nên làm gì để tinh gọn hóa/tối ưu hoá hệ thống? Hãy thử hình dung xem ta đã thấy bất cập. Và ta yêu cầu Cục gì đấy phải cải tiến & thay đổi. Tin tôi đi, 100 năm sau, họ vẫn thay đổi lòng vòng, đổ thừa lung tung và luôn có lý do để vơ thêm quyền lực vào thân. Vì ngu gì họ từ bỏ quyền lợi sống còn của mình? Sự thay đổi phải là Toàn tổ chức và phải là Từ trên xuống chứ không thể giao cho một phòng ban đơn lẻ nào được đâu. Có nhiều phương pháp, ở đây chỉ xin giới thiệu vài nguyên tắc cơ bản để tự làm: i. Hiểu thực sự rõ về khách hàng mục tiêu của bạn: họ là ai, họ cần gì. Họ sướng tê người vì điều gì, và mang ơn ai đó vì điều gì? Họ sẵn sàng bỏ ra thứ gì, và thứ gì hay mức nào sẽ không bao giờ bỏ ra? ii. Hiểu rõ về giá trị bạn có thể tạo ra và mang lại cho khách hàng của mình: tạo ra bằng cách nào, qua những khâu nào, bởi những năng lực nào, cần những tài nguyên nào, chuyển giao đến cho khách hàng bằng cách nào, và kết nối vào hệ thống của khách hàng như thế nào? iii. Phân tích những việc bạn PHẢI làm trên Chuỗi giá trị, và phân tích cách thức tổ chức quản lý trên Ma trận trách nhiệm hoặc/và Mô hình kinh doanh. iv. Tuyển người làm được việc (JOB FIT) và phù hợp (PERSONALITY MATCH). Tăng cường mức độ gắn kết của cá nhân với doanh nghiệp đồng thời kết nối thu nhập của họ (trực tiếp hay gián tiếp) với giá trị khách hàng nhận được. v. Tạo ra văn hoá cải tiến và sáng tạo trong doanh nghiệp: luôn lắng nghe, cầu thị và tưởng thưởng cho các sáng kiến và đề xuất giá trị. Dĩ nhiên, những việc này sẽ tốn nhiều thời gian. Nhưng nếu bạn không bắt đầu và/hoặc thường xuyên chú ý, một ngày nào đó, người khác sẽ làm giúp bạn. Đừng cứ CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI, coi chừng LẠC TRÔI đấy. Trong quản trị tổ chức, đừng ham NỐI VÒNG TAY LỚN để rồi bộ máy bao đồng, phình to, quan liêu và trì trệ. Hãy CẮT NỬA VẦNG TRĂNG để tổ chức được tinh gọn và hiệu quả hơn. Tôi không ngại để chia sẻ các phương pháp, nhưng để thực hiện thành công, bạn cũng nên tham khảo thêm từ những người có kinh nghiệm hơn. P/s: 1. Có phòng ban hay vị trí nào bạn "thấy cần" nhưng không đong đo được giá trị chúng tạo ra không? 2. Phòng ban hay vị trí nào đang làm hệ thống chậm lại, hay thậm chí là dừng lại? Có cách nào để làm cho nhanh hơn? 3. Nơi nào đang là nơi mà sự xuất sắc (và khách quan/trung thành) của cá nhân đứng trên tiêu chí khách quan? Bạn có thực sự "nắm được" chỗ đấy không? 4. Bạn bực mình nhất khi vô tình nghe nhân viên hay khách hàng than với nhau về việc gì? Bình tĩnh lại, nếu bạn là nhân viên hay khách hàng, bạn có bực mình về việc đó? 5. Một khởi nghiệp mới sẽ cạnh tranh với bạn bằng cách nào? 6. Một doanh nghiệp cá mập từ thế giới sẽ nhảy vào cạnh tranh với bạn. Bạn sẽ dùng gì để kháng cự lại?