SỨ MỆNH CỦA DOANH NHÂN CHÂN CHÍNH LÀ PHỤNG SỰ XÃ HỘI Kinh doanh để phụng sự xã hội là một trong những triết lý cốt lõi mà tôi được các thầy trong lớp CEO SG2 hướng dẫn. Khái niệm này nghe có vẻ còn khá mơ hồ với những người trẻ 9x chập chững trên con đường khởi nghiệp như tôi. Tuy nhiên khi chiêm nghiệm lại, chúng ta thấy hầu hết các doanh nhân chân chính, doanh nhân lỗi lạc dù giá trị tài sản có khác nhau nhưng đều chia sẻ nhau quan điểm về sự phụng sự cho xã hội. Doanh nhân không kinh doanh chỉ vì kiếm tiền. Doanh nhân chân chính kinh doanh để phụng sự và tiền là nhiên liệu cũng như là sản phẩm của cả quá trình. Đồng tiền làm ra, sản phẩm làm ra của doanh nhân phải góp phần để giải quyết các vấn đề xã hội. Và thước đo sự thành công của những người doanh nhân chân chính không phải là số dư giá trị tài sản, và là mức độ ảnh hưởng, đóng góp của họ đến với gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia và thậm chí cả nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật nhìn ông Toyoda, người xây dựng nên thương hiệu xe hơi Toyota, như anh hùng dân tộc; còn người Nga nhìn tỷ phú Khodorkovsky, ông chủ tập đoàn Yukos dưới ánh mắt xem thường? Tầm vóc của tỷ phú Bill Gates, ông chủ của Microsoft cũng khác xa Khodorkovsky… Phụng sự là sống vì người khác, giúp đỡ người khác, mang lại giá trị cho người khác. Phụng sự nói theo quy mô nhỏ trong gia đình là chăm lo cho cha, mẹ, anh, chị, em, con cái, vợ, chồng, ông, bà của mình có một cuộc sống ấm no sung túc. Tiếp đó là nhân viên của công ty, mang lại cho họ một môi trường làm việc tốt, có cơ hội phát triển bản thân, cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Đối với khách hàng là đáp ứng nhu cầu, giải quyết vấn đề của khách hàng 1 cách hiệu quả hơn. Nới rộng ra, tùy theo tầm vóc của người doanh nhân mà sự phụng sự cho xã hội sẽ có nhiều mức độ khác nhau. Anh Đỗ Long, Lâm Minh Chánh, Lý Trường Chiến, Trần Kim Thành khởi xướng group Quản trị và khởi nghiệp của chúng ta vì sứ mệnh phụng sự cho cộng đồng khởi nghiệp, doanh nhân giúp đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Họ cống hiến, nhiệt tình, cho đi rất nhiều một cách không vụ lợi, mang lại những nguồn tri thức chất lượng cao vô giá nhưng gần như là hoàn toàn miễn phí. Ở tầm Quốc gia, Anh Trần Bá Dương, chủ tịch của Trường Hải, kinh doanh để phụng sự cho sự phát triển của ngành công nghiệp Ô tô của Việt Nam. Hay như anh Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn VinGroup, mang cả cơi ngơi, nguồn vốn tiền bạc, tri thức từ Đông u về Việt Nam phụng sự cho đất nước, tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn người, đóng góp cực kì to lớn cho ngân sách quốc gia và thúc đẩy kinh tế phát triển. Hay như bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air đã mang lại dịch vụ bay giá rẻ cho hàng triệu người Việt Nam, tiết kiệm cho xã hội bao nhiêu là thời gian và tiền bạc. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng những tỷ phú usd trên cùng với công của mình sẽ đi tiên phong, tạo ra những chuỗi giá trị mới cho đất nước, đầu tư vào những ngành tạo ra giá trị gia tăng phục vụ cho nhiều người hơn, thúc đẩy sự thịnh vượng của quốc gia. Ở tầm toàn cầu, chúng ta càng không khó tìm thấy những doanh nhân mang của cải, tiền bạc, tài năng của mình để phục sự cho toàn nhân loại. Quỹ Bill & Melinda Gates của tỉ phú Bill Gates và vợ sáng lập là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới với hàng loạt những dự án về sức khỏe, nông nghiệp, an ninh lương thực đã giúp cứu sống hàng triệu người. Gần đây, Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook cũng đã công bố sẽ dành 3 tỉ USD để cải tiến hệ thống chăm sóc sức khỏe cho con người. Đây chỉ là những trường hợp điển hình mà tôi biết được do sự phổ biến của nó trong giới truyền thông. Ngoài ra nếu có thời gian nghiên cứu nhiều hơn, tôi tin danh sách các doanh nhân chân chính đã và đang mang tiền bạc, của cải, sức lực của mình để phụng sự cho xã hội, cho nhân loại kể cả công khai và âm thầm là không thể đo đếm được. Hay như trong lúc viết bài viết này tôi có tình cờ đọc được câu chuyện về tỷ phú Chuck Feeney đã âm thầm ủng hộ gần như toàn bộ khối tài sản 8 tỷ USD của mình cho các tổ chức từ thiện trên toàn thế giới, ở tuổi 86 ông đã cho đi toàn bộ tài sản của mình. Tại Việt Nam, quỹ Atlantic của tỷ phú Chuck Feeney bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra còn rất nhiều rất nhiều nữa. Kết thúc bài viết đã quá dài tại đây, tôi chỉ muốn gợi mở bằng 1 câu hỏi khác: Liệu bạn chỉ muốn kinh doanh để kiếm tiền và sống một cuộc sống sung túc? Hay khao khát tự hoàn thiện mình, chấp nhận thử thách để trở thành một doanh nhân chân chính với sứ mệnh phụng sự cho xã hội và tạo ra thật nhiều giá trị? Sài Gòn, 23:42 ngày 05/04/2017 Nguyễn Phú Quý - Học Viên CEO SG2