1. Rủi ro doanh nghiệp và cách phân loại rủi ro doanh nghiệp. Chúng ta đều biết rằng: Đồng hành với doanh nghiệp, luôn là những nguy cơ và rủi ro. Vậy rủi ro doanh nghiệp là gì? Rủi ro doanh nghiệp, theo nghĩa khái quát nhất, là các sự kiện có khả năng làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại, hoặc thực tế đã gây nhiều thiệt hại về mặt lợi ích cho doanh nghiệp. Rủi ro doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào Tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích, mục tiêu của doanh nghiệp. Nhưng rủi ro doanh nghiệp còn phụ thuộc vào chính nguồn lực của doanh nghiệp. Tùy từng nguồn lực, để có những rủi ro khác nhau, và mức độ cũng khác nhau. Chúng ta có thể phân loại rủi ro theo các tiêu chí khác nhau như sau: Căn cứ vào nguồn có rủi ro chủ quan, rủi ro khách quan Căn cứ vào đối tượng bị ảnh hưởng, có rủi ro tài chính, rủi ro nhân lực, rui ro năng suất, rủi ro thương hiệu Căn cứ phạm vi, có rủi ro bên trong doanh nghiệp, rủi ro bên ngoài doanh nghiệp … Tất nhiên việc phân loại chỉ mang tính tương đối, vì mỗi công ty có một mô hình kinh doanh khác nhau, và có thể phân loại rủi ro khác nhau. 2. Quản trị rủi ro doanh nghiệp và nguyên tắc quản trị rủi ro doanh nghiệp Thường chúng ta nhận biết được rủi ro khi nó đã xẩy ra. Nhưng chúng ta có thể nhận biết được rủi ro tiền ẩn thông qua việc quản trị và phân tích. Có hai quan điểu về quản trị rủi ro: Quan điểm 1: Quản trị rủi ro DN là 1 quy trình được thực thi bởi 1 hội đồng bao gồm những người quản lý, người điều hành và những người khác, được áp dụng trong việc xây dựng chiến lược quản trị doanh nghiệp, được thiết lập để xác định các sự kiện có khả năng tác động đến doanh nghiệp; đồng thời quản trị các rủi ro để giới hạn mức độ rủi ro và các đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Quan điểm 2: Quản trị rủi ro doanh nghiệp là một phương thức để quản lý các bất ổn thông qua việc đánh giá các bất ổn và xây dựng chiến lược xử lý để giảm thiểu tác hại của các bất ổn đó. Tuy nhiên, cho dù ở quan điểm nào thì quản trị rủi ro là một quá trình xem xét đánh giá toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp để nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động xấu đến các mặt hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ đưa ra các giải pháp ứng phó, phòng ngừa phù hợp tương ứng với từng nguy cơ. Chúng ta cũng có thể hiểu quản lý rủi ro là một quá trình được tổ chức một cách chính thức và được thực hiện liên tục để xác định (identify), kiểm soát (control) và báo cáo (report) các rủi ro có thể ảnh hưởng đến việc đạt được những mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Để quản trị rủi ro hiệu quả, doanh nghiệp cần tuân thủ những nguyên tắc sau: - Không chấp nhận các rủi ro không cần thiết. - Ra các quyết định xử lý rủi ro ở cấp thích hợp. - Chấp nhận rủi ro khi lợi ích nhiều hơn chi phí - Kết hợp quản trị rủi ro vào vận hành và hoạch định ở mọi cấp Để quản trị được rủi ro, doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về rủi ro cũng như khả năng ứng phó với rủi ro một cách phù hợp trong toàn doanh nghiệp như: - Luôn nhận diện và đánh giá rủi ro - Xây dụng qui trình quản lý rủi ro thống nhất trong doanh nghiệp; - Đưa quản lý rủi ro thành một phần chính thức trong hệ thống kiểm soát nội bộ chung; - Quan tâm của Ban lãnh đạo cấp cao đối với hoạt động quản lý rủi ro; - Phân bổ hợp lý các nguồn lực cho họat động đào tạo và nâng cao nhận thức về rủi ro; - Thực thi, tuân thủ chính sách quản lý rủi ro. Tại nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro được đưa vào hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện công việc của nhân viên (KPIs). 3. Xây dựng kế hoạch ứng phó với rủi ro doanh nghiệp Xây dựng kế hoạch ứng phó là giai đoạn quan trọng trong quá trình quản lý rủi ro. Tại giai đoạn này doanh nghiệp phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát cụ thể cần thực hiện để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại nếu rủi ro xảy ra, phù hợp với nguyên tắc quản trị rủi ro. Khi xây dựng kế hoạch ứng phó, cần chú ý tới những vấn đề cụ thể sau: - Những biện pháp phải thực thi để phòng chống, ngăn ngừa rủi ro xảy ra; - Thời hạn cụ thể phải thực hiện xong các biện pháp đã đưa ra; và - Ai là sẽ người chịu trách nhiệm chính quản lý rủi ro đó. 4. Tổ chức giám sát thực hiện quản trị rủi ro. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống báo cáo thường xuyên nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện quản trị rủi ro. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo mọi thiếu sót trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro phải được thông tin kịp thời đến cấp quản lý có trách nhiệm. Thường xuyên tổ chức kiểm tra và đánh giá việc tuân thủ chính sách quản lý rủi ro và các tiêu chuẩn liên quan. Môi trường mà doanh nghiệp đang hoạt động là không ngừng vận động, do vậy cần quan tâm xem xét điều chỉnh các biện pháp đang thực hiện cho phù hợp với những chuyển biến của môi trường. Định kỳ, doanh nghiệp cần xem xét, đánh giá lại danh sách các rủi ro cùng với biện pháp ứng phó tương ứng cho phù hợp. Bùi Thị Lệ Phương: Chủ tịch- Giám đốc Centax