NGỤY BIỆN KHÁI QUÁT VÀ MẬP MỜ

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 27/3/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Sáng nay có đọc được một bài viết khá thú vị:

    "“Ý TƯỞNG NÀY CÓ NGƯỜI LÀM RỒI”

    Hắn chợt nghĩ ra một ý tưởng. Một giải pháp mới. Có lẽ là khả thi.

    Hắn vui lắm, bèn xách ý tưởng này đi hỏi thằng bạn thân. Thằng này được cả đám phong là chuyên gia, vì cái gì nó cũng biết.

    Sau một hồi ngồi nghe, thằng bạn thân hắn bảo:
    – Ý tưởng này có người làm rồi chú. Thành công nữa là đằng khác.
    – Ý mày là sao?
    – Thì nghĩa là có người làm thành công rồi, giờ mày mới bắt đầu làm thì sao cạnh tranh lại. Thôi bỏ đi.

    Hắn tiu nghỉu ra về. Một ý tưởng sớm nở tối tàn.

    Mấy tháng sau, hắn lại nghĩ ra một ý tưởng. Lần này hắn kiểm tra kĩ rồi, chả có ai làm thành công cả. Hắn hí hửng xách đi hỏi thằng bạn.

    Sau một hồi ngồi nghe, thằng bạn thân hắn bảo:
    – Ý tưởng này có người làm rồi chú. Thất bại hết rồi.
    – Ý mày là sao?
    – Thì cả đám thiên tài kia còn thất bại, giờ mày lao vô làm khác gì đâm đầu vào chỗ chết. Thôi bỏ đi.

    Hắn lại tiu nghỉu ra về. Lại một ý tưởng khác hy sinh oanh liệt.

    Mấy tháng sau nữa, hắn lại nghĩ ra một ý tưởng. Hắn bay ngay đi hỏi thằng bạn.

    Sau một hồi ngồi nghe, thằng bạn thân hắn bảo:
    – Trước giờ không ai thành công mà làm vậy cả chú ạ.
    – Ý mày là sao?
    – Thì nghĩa là trước giờ không ai thành công mà làm vậy hết. Giờ mày làm vậy sao thành công nổi.

    Hắn bắt đầu bực mình:
    – Vậy chứ mày bảo tao phải làm sao? Ý tưởng có người làm thành công cũng không làm được. Ý tưởng có người làm thất bại cũng không làm được. Ý tưởng chưa có ai làm cũng không làm được. Vậy phải làm sao?

    Thằng bạn hắn nhìn hắn rồi đủng đỉnh nói mấy chữ gọn lỏn:
    – Sáng tạo, sáng tạo đi ba!

    Hắn vừa buồn vừa bực xách đít đi về.

    Mấy tháng sau, hắn lại nghĩ ra một ý tưởng. Lần này hắn không đi hỏi ai nữa. Hắn cứ làm thôi.

    Thật tình thì tôi chả biết ý tưởng ấy có thành công không. Nhưng ít nhất, hắn đã ngộ ra một điều: có ý tưởng thì nên làm để kiểm định, chứ đừng kiểm định bằng cách xách đi hỏi các “chuyên gia.” Đó là thành công lớn nhất của người khởi nghiệp rồi.

    Kết:
    Chỉ có tự mình thử mới có kết quả tốt nhất và nếu có sai mới thấy tâm phục khẩu phục."

    Thoạt nhìn sẽ thấy đây là một câu chuyện ngụ ngôn khá hay, hàm ý rằng hãy cứ làm đi, đừng nghe theo lời người ta khuyên mần chi. Đọc xong ai cũng gật gù khen hay, nhưng khi đọc kĩ lại sẽ thấy bài viết này sử dụng ít nhất hai loại ngụy biện như trong tiêu đề: Ngụy biện khái quát và Ngụy biện mập mờ.

    Đầu tiên xét đến khái niệm mập mờ trước, người bạn "chuyên gia" trong câu chuyện là ai? Anh ta chuyên gia như thế nào trong lĩnh vực mà người bạn tìm đến để tham khảo? Anh ta đã thành công như thế nào? Tất cả các chi tiết đều được lờ đi, biến người bạn trở thành một con vẹt giáo điều và gán cho con vẹt đó cái mác chuyên gia như trong câu chuyện Đẽo cày giữa đường ngày xưa. Như vậy khi lột bỏ mác chuyên gia trong câu chuyện ra thì câu chuyện này không còn giá trị tham khảo nữa.

    Thứ đến là ngụy biện khái quát. Tất cả chúng ta đều học xác suất rồi, ví dụ như để xác định 1000 hộ dân khu A có đồng ý với chính sách B hay không thì ít nhất phải khảo sát độ phân nửa, tức là tầm 500 hộ mới dám đưa ra những nhận định như "hầu hết người dân", "một nửa người dân", "số ít người dân" đồng ý / không đồng ý với chính sách B. Tương tự như vậy khi bước vào một quán cafe mới toanh, chỉ vì một món nước dở mà có thể bởi hàng ngàn lý do như hôm nay pha chế bị mệt, người mới, quán mới hoặc khẩu vị mình không phù hợp, người uống có thể lập tức lên Foody review rằng "Không gian cũng được nhưng nước uống dở quá", hoặc chỉ có 0.000000001% người Việt Nam là ăn cắp, ăn trộm, thế là rất nhiều chuyên gia lập tức khái quát lên "Việt Nam toàn ăn cắp ăn trộm".

    Bài viết trên cũng vậy, cứ cho đó là một chuyên gia thật đi, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các chuyên gia đều không có những lời góp ý hữu ích. Người Nhật Bản thành công bởi mô hình Mentor của họ, người già lùi lại sau sân khấu nhưng vẫn làm cố vấn để dùng kinh nghiệm của họ hỗ trợ những người trẻ. Người Do Thái coi việc cha mẹ phải truyền lại tất cả những gì họ có cho con cái là bổn phận và nghĩa vụ phải thực hiện được. Nhân loại tiến hóa, khoa học kĩ thuật và trí tuệ con người phát triển được đến ngày hôm nay là bởi chúng ta học hỏi, đúc kết kinh nghiệm của những người xưa, lấy đó làm tiền đề cho những bước phát triển mới. Chỉ bởi đôi ba câu nói bâng quơ của một người nào đó rồi khái quát lên tất cả "chuyên gia" đều không đáng để nghe thì thật là...

    Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hai loại ngụy biện này ở khắp nơi, ăn sâu vào đời sống của mỗi người, hãy cẩn trọng và chắt lọc cùng cân nhắc trước khi nghe theo.

    Khi mình khởi nghiệp lần 1, mình thất bại vì tinh thần cứ làm tới đi, mình không tìm tới những đàn anh, những bậc tiền bối làm trong ngành Cafe hay nhà hàng để hỏi vì tin rằng mình đã lường trước được mọi thứ, mình có thể tự làm và đưa quán cafe mình lên đỉnh. Sau đó nửa năm thì mình ngậm ngùi dẹp tiệm vì chi phí chịu lỗ khủng hơn mình nghĩ, mình chưa đủ trình quản lý dòng tiền và nhân sự, tất cả mọi thứ vượt xa dự đoán, lúc đó tiếc ngẩn ngơ tự nhủ giá như ngày xưa đi hỏi trước. Một năm trở lại đây sau khi tham gia group, mình tích cực save bài của các bậc đàng anh, tiền bối, tham gia các hội thảo do group mình tổ chức và nhờ vậy hoàn thiện rất nhiều tư duy cũng như tầm nhìn trong công việc kinh doanh của mình. Mình cho ràng tinh thần khởi nghiệp là cần một chút máu liều, nhưng liều có kiến thức, có tính toán chứ không phải cắm đầu làm đại.

    Bài viết không có ý định công kích bất cứ ai. Viết trong khả năng và kiến thức của bản thân nên còn nhiều thiếu sót, mong mọi người thông cảm.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng