"Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” Lời ăn tiếng nói trong giao tiếp không mất tiền mua. “Lời nói” trong tiếp thị, truyền thông thương hiệu phải bỏ tiền “mua”. Tốn tiền xây dựng và quảng bá, thương hiệu cần lựa lời, chọn ý để khiến người nghe vừa lòng. “Nói” qua ngôn ngữ lẫn hình ảnh. Lời không chỉ hay. Ý không chỉ đẹp. Lời nói còn phải bán được hàng. Nói đúng Muốn nói hay, trước tiên cần nói chuẩn. Nói cho người nghe hiểu bạn là ai, bán gì. Nói đúng cái thương hiệu thật sự có, thật sự tốt. Đúng về lợi ích mang đến cho khách hàng. Có 9, 10 nói 10: Tốt. Có 7,8 nói 10: Được. Nhưng đừng dại nói 10 khi chỉ có 2,3. Sức mạnh của ngôn từ và hình ảnh không thể che đậy được bản chất. Khách hàng sẽ kiểm chứng điều bạn nói khi dùng sản phẩm. Hãy nói trung thực những điều người mua cần nghe và muốn nghe! Trước và sau khi dùng điện thoại Bphone, có ai tin tuyên bố đây là “Siêu phẩm hàng đầu thế giới”không? Lời phát biểu tựa “bom nổ”: “Thật không thể tin nổi” nên bỏ từ cuối cùng thì chính xác hơn. Nói hay Nói đúng xong thì cần nói khéo. Nói hấp dẫn đương nhiên ai cũng thích nghe rồi! Hấp dẫn về ý tưởng, ngôn từ, âm điệu. Thu hút về hình ảnh, cảm giác. Mức độ lôi cuốn của lời nói phụ thuộc vào khả năng sáng tạo trong truyền thông, quảng cáo. Nói hay có nhiều cách. Nói đến đặc tính nổi bật của sản phẩm. Nói đến giá trị cảm xúc của thương hiệu. Nói về vị thế, triết lý, văn hoá của thương hiệu. Khách hàng sẽ nhận được những lợi ích gì khi lựa chọn thương hiệu. Nói phải hay như khi chàng trai tán tỉnh một cô gái bằng những lời mật ngọt. Nói sao để cô gái phải ngả vào lòng chàng trai. Đừng để cô thích nghe xong rồi chả làm gì! Muốn thể hiện vị thế đẳng cấp, Heineken tuyên bố: “It could only be Heineken - Chỉ có thể là Heineken” Muốn nói hương vị thơm ngon, Maxwell House nói: “Good to the last drop - Thơm ngon tới giọt cuối cùng.” Cần mở cánh cửa hạnh phúc, gieo cảm xúc, Coca-Cola nhắn gửi: “Open Hapiness”, “Share a feeling”. Cần thể hiện sự tận tâm phục vụ người tiêu dùng, Bitis trìu mến: “Nâng niu bàn chân Việt”. Muốn nhấn mạnh triết lý cầu thị, Avis khẳng định: “We try harder - Chúng tôi nỗ lực hơn”. Nói đúng lúc Ngày nay, khác biệt tính năng thật sự nổi trội của sản phẩm thường rất hiếm. Nói đúng, nói hay đôi khi chưa đủ. Nói đúng thời điểm mới cần. Đúng lúc chưa có ai nói hoặc chỉ nói ít. Lúc đó, mình nói sẽ dễ lọt lỗ tai người nghe hơn. Anh nào nhanh chân nói trước sẽ thắng. Khi cưa cẩm, nên biết lựa lúc bạn gái vui, buồn, hay cần chia sẻ, chăm sóc, giúp đỡ mà chủ động đưa lời. Khi mấy anh khác chưa nói, nói không đúng lúc. TH True Milk chiếm lĩnh “Sữa sạch” đúng khi thị trường đang tồn tại chỗ trống về từ này. X-Men gọi mình là “Dầu gội đầu tiên cho nam giới” vào thời điểm không có sản phẩm nào dành riêng cho đấng mày râu. Nói nhiều Nói điều đơn giản với tần suất dày đặc. Nói thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Ngày nào bạn cũng nghe ra rả mấy câu hát trên tivi: “Bạn muốn mua ABC, đến Điện Máy Xanh”. Trong lúc quảng cáo cho trận bóng đá, câu “Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” cứ “đập” liên tục 20 lần. Bạn có nhớ đến tên của mấy ông đã “đóng đinh” vào đầu mình không? Nói đến tên ổng, chắc bạn khó quên ổng bán cái gì? Thích hay không, khi cần mua vẫn phải tìm đến mấy “gã” này đầu tiên. Các brands đã nổi tiếng cũng phải quảng cáo đều đặn. Không nhắc khách hàng một thời gian, biết đâu họ sẽ quên mình mà chọn người khác. Nói gây tranh cãi Nội dung nói và ngôn từ viết tạo ra nhiều phản ứng trái chiều cho người nghe, người đọc. Mục đích để thu hút sự chú ý, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh. Dư luận càng tranh cãi thì brands càng được nhớ đến. Nhưng anh nào nói mà để bị chửi nhiều quá thì hãy coi chừng. Không ai muốn bị khách hàng ghét đâu! Trong một chiến dịch gần đây, Masan tuyên bố: “Tại Vinacafe chúng tôi tin rằng Cà phê phải là cà phê. Từ ngày 1/8 trong mỗi ly cà phê của Vinacafe là cà phê nguyên chất”. Nói kiểu này cần thận trọng. Phải lường trước và kiểm soát được rủi ro cũng như tính toán được hiệu quả mang lại. Nhưng đôi khi, rủi ro vượt quá khả năng kiểm soát. Và hậu quả để lại to lớn về uy tín, hình ảnh, doanh số bán hàng. “Im lặng là vàng” Nói đủ kiểu. Bằng mọi cách. Đôi khi không hiệu quả bằng lặng lẽ làm. Mặc kệ các ông khác nói gì, thậm chí nói xấu mình. Cách đáp trả tốt nhất là bằng hành động. iPhone, Zara là những thương hiệu ít “nói” qua quảng cáo, tiếp thị. Thiết kế đẹp tinh tế đủ để thay lời iPhone muốn nói rồi. Họ “làm” qua việc đầu tư vào nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm về hình thức lẫn tính năng, nâng cao dịch vụ, trải nghiệm khách hàng. Họ “im lặng”, ít “ồn ào” hơn những thương hiệu khác. Nhưng là “Sự im lặng quý hơn vàng”.