Kinh Nghiệm Về Sự Khiêm Tốn Của Tuổi Trẻ

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi devondale, 5/4/17.

  1. devondale

    devondale Thành viên

    (Viết tặng những bạn trẻ đã/đang cho rằng mình đứng trên đỉnh cao)

    Ngồi làm việc, máy tính random trúng bài "Con Số 0" của Bức Tường. Càng nghe càng thấm. Tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm của tôi về tính khiêm tốn, hi vọng có ích cho một số bạn trẻ.
    Tôi tốt nghiệp khoa CNTT trường Khoa Học Tự Nhiên, là 1 trong 9 khoa trên toàn quốc được nhà nước chọn đầu tư đào tạo trọng điểm năm đó. Từ năm 3 đại học, tôi đã được học bổng của một công ty Pháp khá lớn, được đào tạo tiếng Pháp và dạy lập trình ngôn ngữ các máy chủ dành cho các công ty bảo hiểm lớn và ngân hàng (hồi đó ở VN chỉ có công ty Pháp đó và IBM làm), ra trường là nhận vào làm luôn. Nhưng khi tôi ra trường, công ty Pháp đó đổi giám đốc nhân sự, họ yêu cầu học thêm 1 năm tiếng Pháp nữa mới được làm việc. Vì thế tôi chuyển qua đi làm trong 1 công ty nhà nước, lương thưởng cũng thuộc dạng khá cao so với cùng lứa. Nửa năm đầu làm việc bình thường, tôi cũng nhận thêm vài job làm thêm với bạn bè để kiếm thêm. Cuộc sống khá ổn.

    Cho đến ngày đi cafe gặp 1 người bạn thời đại học. Bạn tôi là 1 trong những thằng mà tôi khá nể, trí thông minh cực cao, và sức tập trung rất tốt. Bạn đang chơi chứng khoán, và trong vòng mấy tháng, tài khoản tăng gấp đôi. Thế là tôi về bắt đầu nghiên cứu chứng khoán. Bình thường 5h là công ty nghỉ làm, ai có gia đình hoặc bạn gái thì về trước, còn một số người FA ngồi lại gọi tạp vụ pha mì tôm rồi ngồi chơi game, xem phim đến 7h (trừ 1 vài thời điểm có các dự án lớn với nước ngoài thì overtime). Riêng tôi không có hứng thú với mấy cái đó, lôi máy ra một góc ngồi nghiên cứu chứng khoán. Được tầm 3 tháng thì bắt đầu nhét thử tiền vào đánh. Số tiền đầu tiên tôi bỏ vào là 10tr, tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui thế nào khi lời được 100k đầu tiên. Rồi bắt đầu chat hỏi bạn tôi về cách phân tích đồ thị, xem các chỉ sổ, phân tích tin cơ bản ảnh hưởng thế nào, đọc thông tin ở web nào, lấy data từ đâu để load amibroker phân tích.... Sau đó, khi nghĩ đã tạm ổn, tôi bắt đầu huy động vốn từ nhà để đập vào. Giai đoạn đó là thời điểm bùng nổ của chứng khoán Việt Nam, nên tỷ lệ thắng rất cao. Một ngày chơi chứng khoán, tôi có thể kiếm được số tiền bằng vài tháng đi làm. Lúc đó, đối với một thanh niên trẻ như tôi, tiền chỉ là một con số thay đổi hàng ngày trên màn hình máy tính mà thôi. Nhưng vừa lập trình vừa chơi chứng khoán thì không thể tập trung được cái gì, nên tôi xin nghỉ làm, qua nhà bạn tôi đánh chứng khoán. Lúc đó giờ giao dịch chỉ có buổi sáng, vẫn còn T+4, và thị trường vẫn chưa minh bạch lắm. Giá chứng khoản VN chỉ là một khái niệm, những đội lái nào vốn mạnh có thể làm giá những mã cổ phiếu nhỏ thoải mái. Có những thời điểm, tôi và bạn tôi cũng vậy. Mỗi thằng mở 5 tài khoản, rồi thay phiên nhau chơi trò làm giá 1 mã cổ phiếu để kiếm lời (dĩ nhiên là cái đó ko hợp pháp). Cái này có thể hỏi anh @lâm minh chánh, anh từng làm Tổng giám đốc chứng khoán Đại Việt, anh biết cái thời kỳ huy hoàng đó của chứng khoán Việt Nam. Lúc đó tôi cũng hơi hơi nổi tiếng trong 1 group chat sky nhỏ do 1 bạn broker mở. Mỗi buổi sáng mở máy là skype ngập tràn tin của các người chơi chứng khoán khác nhờ phân tích mã này mua được ko, mã kia nên bán ko.... Ngay cả những giai đoạn thị trường giảm, tôi vẫn kiếm được tiền do cách lọc mã của tôi khá tốt. Tôi lúc đó vẫn ngạo mạn, cho là mình rất giỏi. Đầu ra của trường tôi khá cao, các bạn học khá đều được nhận làm ở các công ty lớn, tập đoàn nước ngoài, nhưng lúc đó số tiền tôi có được so với bạn bè cùng khóa đều hơn hẳn. Khi bạn bè đang đi xe máy, tôi đã dư tiền mua otô, có đáng tự hào không?

    Cho đến một ngày, tôi nhớ là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 07/05/2010, giá bắt đầu giảm. Trong giai đoạn đó, có lúc tôi thắng, có lúc thua, nhưng kéo dài tới khoảng tháng 2/2011, tôi ôm trong tay khá nhiều mã với giá đang giảm kịch sàn hàng ngày. Số tiền trong tài khoản còn rất ít. Lúc đó mới cắn răng bán đi toàn bộ, chờ ngày phục thù. Ai đã từng chơi chứng khoán giai đoạn đó thì biết, không ít các đại gia trắng tay nhảy lầu, trốn nợ, nhiều gia đình tan cửa nát nhà.... Tôi thì rút ra được 1 ít. Sau này có thời gian đọc sách, ngồi nhìn lại, mới rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Tôi xin chia sẻ dưới góc độ cá nhân:
    - Học bề ngoài mà không học cốt lõi: Xuất phát điểm là dân CNTT, suốt quá trình đi học, đa số là tự tìm tài liệu nước ngoài tự học. Nhưng chứng khoán VN nó khá khác với thị trường nước ngoài ở chỗ quá dễ thao túng, cho nên áp dụng những kiến thức đó vào không được (các bạn có thể tìm hiểu về tiến sĩ Alan Phan, đầu tư trên thế giới thắng nhưng về VN vẫn bị dính đòn). và vì vậy tôi học cách tiểu xảo, phân tích dựa trên giá và volume giao dịch để phán đoán coi có đội lái nào đang đánh mã nào để nhảy vào kiếm lời, vì vậy có nhiều trận thắng nhưng cũng không ít lần ôm bom. Đây là sai lầm thứ nhất.
    - Ngủ quên trên chiến thắng: Khi có được những thành quả tàm tạm, thay vì tiếp tục tìm tòi học hỏi thêm, tôi lại tự mãn. Khi được nhiều người hỏi han, tôn vinh, tôi sống trong cái màn hào quang ảo đó, tự cho mình là giỏi. Trên các diễn đàn lớn thời đó như vietstock, Vietcurrency.... có nhiều tên tuổi lớn, có nhiều bài viết rất hay mà ko thèm học hỏi. Đây là sai lầm thứ 2.
    - Ếch ngồi đáy giếng: Chỉ nhìn xung quanh và nhìn xuống dưới, mà ko ngước lên trên. Thấy xung quanh mình toàn người thua kém, mà không biết đi tìm chỗ những người giỏi hơn để học hỏi. Đây là sai lầm thứ 3.
    =================
    Sau những giai đoạn đó, tính tôi bắt đầu trầm đi nhiều, ít nói, tăng thời gian đọc sách lên. Tôi bắt đầu cày để kiếm tiền trả nợ, đi học cao học Tài Chính Doanh Nghiệp để chờ ngày quay lại. Trong công việc, tôi bắt đầu cẩn trọng hơn, lúc nào cũng chỉ quan sát thật kỹ trước chứ không xông pha ào ào nữa.

    Nhà tôi kinh doanh từ nhỏ, tôi học được cách quan sát người khá tốt. Trong cuộc sống, tôi đã từng gặp những bạn trẻ, có thể có tài năng, được giữ chức vụ cao ở các công ty, và vì vậy khá tự mãn. Tôi nhìn thấy ở họ là tôi của ngày trước. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao thành tựu của họ nếu như họ không gặp thất bại và thay đổi cái tính ngựa non háu đá, tỏ vẻ hơn người đó. Có thể do nền tảng gia đình, bạn được khen nhiều từ nhỏ. Có thể do trong xã hội, bạn ít gặp được người giỏi, và xung quanh chỉ toàn những người khen bạn. Khi bạn được dạy những điều hay, điều mới, thì lại nảy sinh ra tâm lý "Ok, biết rồi"....

    Trong những điều tôi học được, có 1 triết lý tôi rất thích, đó chính là Triết Lý Cây Lúa. Triết lý cây lúa được người Nhật dạy cho con trẻ từ thơ ấu: "bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” 実(みの)る程頭(ほどあたま)の下(さ)がる稲穂(いな", điều đó có nghĩa là khi no đủ giàu có, hay giỏi giang thành đạt thì nên biết khiêm nhường cúi đầu, không tự cao, kiêu ngạo.

    Trong phòng, bài hát "Con Số 0" vẫn vang lên:

    "Có những con người mới đôi ba tuổi đời
    Cuộc sống mới bắt đầu đã cho rằng mình thấu hết
    Làm được gì, và đã có gì?
    Chỉ học đòi thói chê bai
    Đời vật vờ, chẳng biết thân mình
    Hình hài chỉ là con số 0
    Hình hài chỉ là con số 0
    Con số 0

    Hãy nuốt đi thuốc đắng dã tật
    Này hãy gắng sống biết ta biết người
    Ðời chưa thấu hết xin hãy kiệm lời "
    ------------------------
    Tôi viết bài này không mang tính chất dạy đời, chỉ là chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân của tôi, dành tặng cho các bạn trẻ, các tài năng tương lai. Hi vọng các bạn sẽ có một phút dừng lại, nhìn lại bản thân, để tiếp tục trau dồi tài năng, đừng để sự tự mãn làm che đôi mắt mình lại.

    Xin cám ơn.
    SG, 14.02.2017

    Dành tặng cho một người tôi yêu quý.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng