Ngày 28/11/2015 tôi hồi hộp nhấn Enter để bắt đầu một dự án demo của mình. Tôi muốn chứng minh một điều: khởi nghiệp đúng thì 1-2 năm thành công là điều hoàn toàn có thể. Quan trọng hơn, thành công đó không phụ thuộc vào may rủi, nó phụ thuộc vào quá trình làm việc nghiêm túc, sức mạnh nội tại…tuân thủ đúng công thức của sự thành công, bất chấp cả thị trường lên xuống. Giờ đây tôi vẫn đang làm việc còn hăng hái hơn cả thời điểm cuối năm 2015 vì những suy tính của mình đã thành hiện thực sớm hơn dự kiến rất nhiều. Tôi đang trau chuốt lại doanh nghiệp demo này vì góp nhặt tốc độ cao thì không thể tránh khỏi kim cương lẫn với sỏi đá. Nhưng dù sao thì góp nhặt sỏi đá lẫn với kim cương vẫn còn tốt hơn là chẳng góp nhặt được gì. Khi đã góp nhặt được số lượng lớn thì việc còn lại chỉ là phân loại và tận hưởng kết quả. Tại sao tôi lại dám nói đó chỉ là doanh nghiệp Demo? Khi bạn cần thử nghiệm một thứ gì đó, bạn cần một bản demo. Khi tôi muốn thử nghiệm xem liệu có thể build 1 doanh nghiệp có lãi trong 1-2 năm hay không, tôi cũng cần một bản demo. Đó chính là lí do ra đời của dự án mà tôi đã khởi động hơn 1 năm trước. Làm demo thì bạn sẽ thoải mái hơn làm thực vì nó không nghiêm trọng quá, không áp lực quá. Ngoài ra ý nghĩa của demo là để trình diễn, để show up nên đôi khi nhờ vậy bạn lại càng phải trau chuốt cho nó bắt mắt dễ nhìn đúng không? Điều gì xảy ra nếu bạn góp sự thành công của đời bạn bằng 100 dự án demo? Khi tôi làm thành công 1 dự án demo trong 1 năm rưỡi thì không có nghĩa là 1 năm rưỡi sau tôi mới thành công dự án thứ 2. Khi bạn đã có công thức thì sự thành công là nhân bản (clone) chứ không phải bắt đầu lại từ đầu. Đây chính là sức mạnh của thời đại. Ngày xưa bạn phải vượt vạn dặm tìm kiếm bí kíp làm giàu mà chẳng biết bí kíp đó có thực hữu dụng hay không thì ngày nay bạn có thể thử nghiệm mọi thứ ngay tại bàn giấy, thậm chí ngay tại một góc nhỏ của quán cafe cóc. Các bạn khởi nghiệp bây giờ hay dồn toàn lực vào một dự án nào đó với quyết tâm ăn thua đủ với dự án của mình. Các bạn có tinh thần thật tuyệt làm sao nhưng khi bạn trầm trọng hóa chuyện làm ăn khởi nghiệp cũng chính là lúc mọi áp lực, mọi vấn đề sẽ đổ ập vào cuộc sống của bạn, đè bẹp bạn đến nỗi không có chỗ để thở. Có nhiều bạn than với tôi về khởi nghiệp là “Em làm không kịp thở anh ơi!”. Nếu bạn không có thời gian để thở thì e rằng doanh nghiệp của bạn cũng sắp hết khí oxy để duy trì. Đáng nói hơn nữa là nhiều “ông chủ bự” cũng không có thời gian để thở, thế rồi họ biện minh bằng những lí do rất vĩ đại cho sự bận rộn của mình, nào là tinh thần doanh nhân, nào là đóng góp cho xã hội, nào là làm gương cho người khác, nào là vì vận mệnh quốc gia, thậm chí là thay đổi thế giới!!! Bạn không thể giúp đỡ được ai khác nếu chưa giúp đỡ được chính bản thân mình. Khi tôi khởi nghiệp, tôi không quan tâm lắm đến sẽ tích lũy được bao nhiêu triệu đô la, tôi quan tâm đến việc xây dựng chất lượng cuộc sống thông qua khởi nghiệp. Tất nhiên tiền tài, vật chất, sự thành công là cần thiết nhưng tôi xem những thứ đó là điều không thể tránh khỏi nếu chúng ta làm đúng ngay từ đầu. Khi bạn làm đúng thì chắc chắn một lúc nào đó tiền sẽ chảy vào túi một cách tự nhiên, không cưỡng bức. Sự giàu có tự nhiên và ung dung nó giúp cho cuộc sống của chúng ta ngày càng đẹp và đáng sống. Tôi không thích cảnh nằm trên một chiếc giường tiền tỉ mà không ngủ được. Bạn thích không? Một trong những quy luật mà chúng ta phải hiểu đó là: góp gió tất thành bão. GÓP GIÓ TẤT THÀNH BÃO Đại đa số chúng ta mong muốn một điều rất buồn cười: chúng ta muốn bão nổi lên theo ý mình. Chúng ta muốn doanh nghiệp bùng nổ bằng cách ép buộc nó bằng nhiều cách. Chúng ta cắm đầu làm việc như điên và mong rằng nó sẽ nhanh chóng đi theo ý chúng ta. Chúng ta không khiêm tốn, chúng ta tự cho mình cái quyền kiểm soát quy luật trong khi thực chất quy luật mới là thứ kiểm soát chúng ta. Tôi hay ví von một ví dụ thế này: bạn có một con thuyền và bạn muốn nó di chuyển nhanh. Nếu bạn không hiểu rõ quy luật thì bạn sẽ phải lôi con thuyền đi rất vất vả…trên cạn. Khi lôi con thuyền trên cạn thì bạn sẽ tốn rất nhiều sức lực mà con thuyền chẳng di chuyển được là bao. Trong khi chỉ cần thả con thuyền vào dòng nước thì bạn có thể thoải mái hái hoa, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà chẳng tốn tí sức lực nào. Góp gió thành bão là lời cảnh tỉnh chúng ta phải tuân theo quy luật để đạt được thành công đúng đắn, như việc phải đẩy thuyền vào nước để thuyền có thể lướt đi nhẹ nhàng. Khi chúng ta góp đủ “gió” thì nhất định “bão” sẽ nổi lên! Như vậy thì điều quan trọng cần phải xác định đối với doanh nghiệp trong thời đại này thì “gió” là gì? Tất nhiên góp gió thì thành bão nhưng chúng ta cần phải xác định chính xác cần phải góp nhặt cái gì vào “túi gió” của doanh nghiệp. Nếu không xác định được thì thật là mông lung và tỉ lệ cao là chúng ta sẽ góp nhặt những thứ không đâu vào đâu. Khi khởi động dự án demo của mình, tôi đã xác định rất rõ cần phải góp nhặt cái gì cho sự thành công và lên kế hoạch để miệt mài làm điều đó trong suốt 1 năm rưỡi qua. Đến thời điểm hiện tại, khi vượt qua rất nhiều ông lớn trong ngành thì tôi thực sự kinh hãi về sức mạnh của việc làm đúng ngay từ đầu. Khi làm đúng, mọi việc sẽ rất đơn giản mà lại có sức mạnh cực kì to lớn. Ngay chính tôi cũng không hình dung nổi là khi “bão” nổi lên lại vượt khỏi cả sự tưởng tượng của mình. Tôi sẽ không liệt kê ra những thứ thứ mà doanh nghiệp cần phải góp nhặt để “tạo bão”, tôi muốn bạn hãy thử nhìn lại doanh nghiệp của mình xem bạn có thực sự góp nhặt đúng cho “túi gió” của bạn chưa? Rồi chúng ta cùng nhau thảo luận về những gạch đầu dòng đó. Tôi rất sẵn lòng nếu các bạn cũng sẵn lòng. Tuy nhiên tôi sẽ copy toàn bộ nội dung một bài báo đã cũ để gợi ý cho bạn, bài báo này đã ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình build doanh nghiệp demo của tôi: Dựa trên tốc độ “bơm tiền” vào ngân sách martketing hiện tại của Samsung, Evans ước tính số tiền đổ vào hoạt động quảng cáo, tiếp thị của Samsung có thể đạt 4,5 tỉ USD trong Q4/2013, nâng tổng ngân sách dành cho marketing năm 2013 lên gần 13 tỉ USD. Số tiền này còn nhiều hơn cả giá trị thương vụ thâu tóm Motorola của Google năm 2012 (12,5 tỉ USD), gấp 3 lần giá trị vốn hóa thị trường của HTC. Ps: Hình ảnh khởi nghiệp thực tế tại quán cafe mà tôi chụp được