1. Sản phẩm đỉnh của đỉnh: Bạn có một ý tưởng đột phá với một sản phẩm bạn cho là tuyệt vời. Bạn ngày đêm thao thức để hoàn thành nó rồi đến hoàn hảo nó. “Đứa con cưng”này dù chưa ra đời nhưng đã được bạn trau chuốc hàng ngày và mỗi ngày bạn thêm cho nó một tính năng “đỉnh của đỉnh”. Đến khi chính thức “lên kệ”, bạn tin tưởng rằng nó có thể phục vụ cho mọi loại khách hàng, mọi phân khúc, đi theo là một “rừng” tính năng và dĩ nhiên là với cái giá tương xứng. bạn tin tưởng rằng nó sẽ thành “hiện tượng” và suy nghĩ làm sao sản xuất để đủ đáp ứng. Kết quả thật bất ngờ: Chẳng ai mua nó. Người ta chỉ cần duy nhất 1 trong 100 cái tính năng bạn mang lại và tự bạn đã tạo ra cái cảm giác khách hàng sẽ lãng phí 99% khi mua sản phẩm. 2. Giá cả cạnh tranh: Bạn sáng tạo ra một sản phẩm công nghệ tuyệt vời và nghĩ rằng ai ai cũng sẽ cần đến nó. Bạn mất 7 đồng để sản xuất ra và cho “lên kệ” với giá 10 đồng. Tối đến bạn nằm thao thức: Mỗi ngày bạn sẽ bán 1000 sản phẩm và sẽ có 3000 tiền lời. Nhưng mỗi buổi sáng thức dậy doanh số báo về cho bạn chỉ có 100 sản phẩm được tiêu thụ. Và càng đau lòng hơn khi có đến 90 người trong đó mua sản phẩm của bạn không phải vì giá nó rẻ. 3. Cải tiến và cải tiến Thật may mắn cho bạn với những tín hiệu tích cực đầu tiên từ thị trường. Điều đó mang đến cho bạn sự tự tin đầy nguy hiểm. Team kỹ thuật của bạn quá giỏi, quá hứng khởi và liên tục sáng tạo cho bạn hàng loạt cải tiến. Bạn không ngần ngại đầu tư toàn nguồn lực để ra mẫu mới, rồi cải tiến… rồi mẫu mới… cho đến khi bạn chẳng còn đồng nào để phát triển thị trường. 4.Bán hàng không khó: “Nghiên cứu ra sản phẩm đỉnh mới khó chứ bán hàng thì có khó gì”, chính xác đó là điều mà đa phần “dân kỹ thuật” nghĩ. Vì bạn thiết kế ra nó nên chắc chắn bạn hiểu rõ nhất và bạn cũng tin chắc rằng không ai có thể tư vấn cho khách hàng tốt bằng mình. Bạn “thao thao bất tuyệt” về đủ thứ thông số kỹ thuật, đủ thứ công nghệ bạn đã dày công nghiên cứu mà đôi khi khách hàng chẳng hiểu gì cả. Bạn bảo vệ tới cùng cái sản phẩm “hoàn hảo” của mình trước mọi nghi ngờ của khách hàng và vô tình lại càng làm khách hàng nghi ngờ. Bạn chê tơi tả cái sản phẩm “cùi bắp” của đối thủ mà không biết rằng người đối diện mình đang dùng nó. Và dĩ nhiên kết quả là bạn được thêm biệt hiệu “nổ”. 5. Xây nhà máy sản xuất: Lắm khi đối tác muốn tham quan nhà máy của bạn và làm bạn cảm thấy khó xử. Bạn muốn tự chủ hoàn toàn về công nghệ, bạn muốn giảm chi phí sản xuất sản phẩm, bạn muốn sản xuất nhanh hơn…và bạn mơ về một nhà máy hoành tráng có cái bảng hiệu to đùng “technology Corp” của bạn. Điều đó hoàn toàn không sai nhưng nó chính là quả bom để làm bạn “chết” nhanh hơn rất nhiều. - Thưa các anh chị trong Group! Mình là dân kỹ thuật và mấy cái này là chia sẽ từ suy nghĩ cá nhân thôi nha. Không hoàn toàn đúng trong nhiều trường hợp khác nhau. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!