Năm nay tôi muốn làm ra nhiều tiền hơn bằng cách sẽ bỏ bớt thời gian tán dóc trên mạng xã hội, dành thời gian đó để thăm dò và tìm khách hàng, đọc thêm tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn, tập thể dục, học thêm Anh văn… vân vân. Tuy nhiên, cứ mỗi khi nghe một tiếng “ding” hay dòng chữ FB alert trên phone, là tôi không cưỡng lại được. Năm nay tôi muốn giảm ký, có cơ thể săng chắc và khỏe mạnh. Tôi sẽ quyết tâm tập thể dục nhưng về đến nhà là tôi “oải” quá, không còn năng lượng gì nữa. Tôi chỉ muốn ngồi xem tivi hàng giờ hay chạy đến quán bia để tán dóc và giảm stress. Tôi phải cải thiện và bắt đầu luyện tiếng Anh mỗi ngày theo chương trình dạy tiếng Anh miễn phí của LanBercu TV. Nhưng mỗi lần mở youtube ra thì những youtube video hấp dẫn khác như minecraft, giải trí, gaming, nhiều chuyện bốn phương, tin nóng sốt của showbiz…trôi vào… Thôi để xem mấy cái này trước đã… rồi học sau. Thói quen trở thành nghiện này không chừa một ai: từ một thanh thiếu niên cho đến một tri thức có tuổi … Triết gia Aristotle nói " Chúng ta là sản phẩm của thói quen của chính chúng ta. Sự xuất sắc không đến từ một hành động, mà hình thành từ một chuỗi thói quen sống." Để đạt được mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta phải bắt đầu từ một nền tạng nền tảng đó là THÓI QUEN HẰNG NGÀY . Hôm nay, tôi xin chia sẻ bằng chứng khoa học và kinh nghiêm thực tế về cách thành lập thói quen hữu ích. Hy vọng với kiến thức này sẽ giúp chúng ta cải thiện cuộc sống, gặt hái càng nhiều thành công và hạnh phúc hơn. Như vậy thì thói quen được hình thành như thế nào? Mỗi ngày, từ khi chúng ta thức dậy, có hàng trăm hàng ngàn hoạt động từ đơn giản đến phức tạp mà chúng ta phải làm: từ việc thức dậy, đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, lái xe, đi học, đi làm, họp với nhân viên, nói chuyện với khách hàng... Bạn có thể tưởng tượng nổi là bạn sẽ phải mày mò suy nghĩ xem hôm nay mình có nên đánh răng hay không, dùng bàn chải nào, cột dây giày làm sao, leo lên xe thì giữ thăng bằng như thế nào, thắng xe như thế nào, quẹo phải quẹo trái.. rồi hàng ngàn những suy nghĩ và quyết định khác nữa. Có lẽ bộ não của chúng ta sẻ nổ tung. Vì vậy bộ não chúng ta có một bộ phận nhỏ gọi là hạch nền (basal ganglia), kích thước to bằng quả banh golf. Bộ phận này gíup chúng ta tự động hóa các hoạt động chúng ta làm đi làm lại thường xuyên để tiết kiệm năng lượng, dành ưu tiên cho bộ não có năng lượng dùng vào những hoạt động khác mới lạ và phức tạp hơn. Vì rằng được tự động hóa (automatic=autopilot) nên các hoạt động bạn làm bạn không phải suy nghĩ là làm như thế nào,VÀ QUYẾT ĐỊNH CÓ NÊN LÀM HAY KHÔNG. Thật tuyệt vời nếu như mỗi ngày, chúng ta tràn đầy những thói quen tốt, thói quen giúp chúng ta hiệu quả hơn, khỏe mạnh hơn và thành công hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế thì chúng ta sẽ cũng hình thành những thói quen không tốt, hoặc thói quen làm chúng ta xao lãng mục tiêu của mình. Những thói quen nho nhỏ như khi buồn là ăn, khi stress là hút thuốc, lên mạng xã hội liên tục mỗi 5, 10 phút.. cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thành công của bạn. Bạn sẽ nói rằng “Tôi biết rồi.. nhưng mà khó quá”. Hình thành thói quen tốt, bỏ thói quen kém hiệu quả không phải dễ. Tiến sĩ Charles Duhigg là tác giả của quyển sách “Sức Mạnh của Thói Quen” cũng nhắc nhở chúng ta rằng việc thay đổi thói quen không nhanh chóng, không đơn giản và dễ dàng, nhưng bạn có thể làm được nếu bạn hiểu bộ não chúng ta cần gì và các bước để đánh lừa bộ não của mình . Thói quen được hình thành như sau: Remind (nhắc nhở) Routine( tạo thông lệ) Reinforce(cũng cố) Tức là bạn thấy một dấu hiệu, và bạn làm điều gì đó, và làm thì được thưởng một cái gì đó như cảm giác sung sướng, khoái lạc… thế là bạn lập lại điều đó. Lâu dần điều đó thành autopilot, trở thành thói quen. Ví dụ như mỗi khi nghe tiếng ding trên điện thoại hay dòng chữ alert của mạng xã hội nháo nhá trên màng hình, là bạn mở ngay đọc. Cái tiếng reo hay cái alert của điện thoại là REMINDER (dấu hiệu nhắc nhở), bạn cầm điện thoại và viết gì đó chẳng hạn là ROUTINE (tạo thông lệ), rồi bạn nhận được ngay " Like", hay một com nào đó " Ồ tấm hình này đẹp quá! Bạn tuyệt vời quá. Anh đẹp trai quá..." Đó là sự REINFORCE (thưởng phạt để cũng cố). Lúc đó não tràn ngập kích thích dopamine – dopamine làm bạn cảm thấy phấn chấn. Thế là bạn thích quá bạn lại tiếp tục khi nghe tiếng ren ding là lập lại việc cầm phone, viết và chờ like/ hay com/ phản hồi của người khác. Dần dần bạn làm nhiều lần thì hạch nền (basal ganglia) tự động hóa (automatic= autopilot) và biến hành vi đó thành thói quen. Có nghĩa là bạn sẽ liên tục kiểm tra trang xã hội mà không cần suy nghĩ là có nên hay không, đang bận rộn hoàn thành bản báo cáo mà. Tuy đang bận rộn với những nhiệm vụ quan trọng và mang lại giá trị nhiều hơn, nhưng não của bạn sẽ liên tục tìm cách “xúi dục” bạn tạo dopamine để gây “phê”, gây phấn chấn. Ai mà không thích “phê”! Khổ thế, những việc không mang lại nhiều giá trị và bổ ích thường là “phê” hơn những chuyện bổ ích. Vì thế rất khó hình thành thói quen tốt, và trái lại rất dễ hình thành thói quen “xấu”. Tôi đã giải thích ở bài trước về anh chàng DOPAMINE- anh chàng này luôn kích thích tạo cảm giác đê mê, phê, sung sướng, đỉnh, phấn chấn và tạo động cơ. Em gái "Não" mê anh chàng này lắm! Anh dụ một cái là "phê" và nghe theo liền... Vậy để hình thành một thói quen tốt hay thay đổi một thói quen chưa hiệu quả bằng một thói quen mới ta nên biết cách “đánh lừa” não. Ta sẽ tìm hiểu cách tạo dopamine cho những hành động và hành vi bổ ích để những hành vi này thành autopilot = THÓI QUEN. Xem tiếp phần 2 để tìm hiểu cách nào bạn nhé. Lan Bercu Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại Nhà sáng lập LanBercu TV