FAST & FURIOUS 8 và BÀI HỌC KHỞI NGHIỆP

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 16/4/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Những người khởi nghiệp học được gì từ bom tấn Fast & Furious 8 ?! Có nhiều điều để học nhưng đặc biệt có hai điều tôi muốn chia sẻ với các bạn qua bài học kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế tôi đã từng trải qua.

    BÀI HỌC THỨ NHẤT: ĐỐI MẶT VỚI CẢM GIÁC BỊ PHẢN BỘI

    Ở trong phim khi Dom quay lưng lại với tất cả đồng đội, phản bội lại gia đình, tôi bắt đầu ấn tượng với bộ phim. Diễn biến tâm lý của những người trong cuộc khiến tôi thấy háo hức, tiếc là từ háo hức chuyển sang hụt hẫng, khi mà cả người trong cuộc và khán giả đều nghĩ rằng sự phản bội của Dom là có lý do và lý do thực sự là gì thì khán giả biết hơi sớm.

    Tham chiếu sang khởi nghiệp thì cảm giác bị phản bội diễn ra khi một cán bộ chủ chốt được chúng ta coi trọng và yêu quý (key person) tham ô hoặc phản lại công ty trong những tình huống sau :
    > key person tách ra làm cùng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh trực tiếp;
    > key person đầu quân cho đối thủ cạnh tranh;
    > key person ra đi kéo đối tác, khách khàng, công nghệ, nhân sự của công ty theo.

    Lý do thì có nhiều, lý do có thể đúng có thể sai, có bạn nói điều đó là bình thường, tiên trách kỷ hậu trách nhân, tất cả các điều đó đều đúng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cảm xúc của người trong cuộc, của người có cảm giác bị phản bội, mà người cảm xúc nhất là chủ doanh nghiệp.

    Chỉ có người bị phản bội mới cảm nhận rõ rệt nó là như thế nào. Đâu đó có sự đau đớn, sự tổn thương, sự tức giận, sự hụt hẫng, đó cũng có thể là cảm giác thua cuộc, đó có thể là cảm giác sợ hãi, hoặc đơn giản là cảm giác mất mát,… Cảm giác khi yêu bị phản bội như nhát dao đâm vào tim, nó sẽ khó lành hơn vết thương đâm vào da, thậm chí có những vết thương không bao giờ lành. Điều tồi tệ nhất là khiến chúng ta mất phương hướng, mất niềm tin, chúng ta tránh né chứ không phải chúng ta đối mặt, chúng ta gục ngã trên chính chiến trường mà chúng ta tạo ra.

    *CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

    Năm 2013 khi phát hiện cậu giám đốc điều hành một công ty của tôi rút tiền công ty khi nâng giá một hợp đồng đầu vào khiến tôi trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc trên, đó là người mà tôi coi như em, chia cho cậu ấy 49% cổ phần, đã đốt nhiều tỷ của tôi vào công ty của cậu ấy. Trước đó năm 2009 tôi rơi vào một tình huống còn oái oăm hơn là một đệ tử ruột của tôi kéo từ quê lên lo cho mọi thứ, đã trộm công nghệ rồi ra ngoài hợp tác làm với chính sếp cũ của tôi (sếp cũ của tôi chắc lúc đầu cũng không biết đó là đệ của tôi, tôi không làm với sếp cũ là do anh ý bán cổ phần của công ty cho người khác, sau khi tổng giám đốc mới về tiếp quản thì mấy tháng sau anh em chủ chốt tan đàn sẻ nghé ra thành lập công ty riêng hết).

    Thời gian đầu mới xẩy ra thì tôi cũng tâm lý lắm, một thời gian rồi cũng nguôi ngoai, giờ thì tôi vẫn thỉnh thoảng chủ động liên lạc chuyện trò. Tôi nghĩ mọi việc đều có thể tha thứ được nếu như chúng ta bình tĩnh và khách quan trong mọi việc, đặt địa vị vào người khiến chúng ta có cảm giác bị phản bội để hiểu tại sao họ làm như vậy và chấp nhận sự lựa chọn của họ, và khách quan rằng đâu đó có bóng dáng sự yếu kém thậm chí là lỗi lầm của chính chúng ta. Và có thể đó là quy luật nhân quả mà chúng ta phải nhận bởi một vài điều sai trái trong quá khứ của ta, đó có thể là một câu nói, đó có thể là một hành động, đó có thể là một kết quả. Ôi cứ nghĩ thế đi cho nó lành [​IMG]:)

    Cách tốt nhất sau nhiều lần thăng trầm với cảm giác bị phản bội tôi rút ra là, chúng ta nên rèn luyện cách kiểm soát cảm xúc, rèn luyện thói quen chấp nhận, rèn luyện thói quen vị tha, học cách kiểm soát rủi ro trong công việc và cuộc sống, rèn luyện thói quen sẵn sàng cho mọi tình huống.

    *NGUYÊN TẮC XỬ LÝ KHI BỊ PHẢN BỘI

    Còn nói về giải pháp khi bị phản bội thì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, tuy nhiên theo kinh nghiệm xử lý của mình có vài nguyên tắc chung như sau:

    (1) chúng ta cố gắng không để cảm xúc lấn át lý trí, kẻo giận quá mất khôn;
    (2) đối mặt với sự thật và tập trung vào hành động;
    (3) xác định rõ nguyên nhân, dự tính hậu quả và tìm ra các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn;
    (4) biến sự phản bội trở thành nhân tố để đoàn kết tập thể, ngăn chặn các cảm xúc tiêu cực và tăng cường các cảm xúc tích cực, giúp tập thể nhanh chóng quên đi biến cố;
    (5) không đem lòng thù hận, lòng thù hận như con dao hai lưỡi nó có thể tạo ra những vết thương mới cho cả bạn và doanh nghiệp của bạn;
    (6) thận trọng với các giải pháp trực tiếp nhắm tới người phản bội, ví nó sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới các key person khác.

    *GIẢI PHÁP TỐT NHẤT LÀ NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA SỰ PHẢN BỘI

    Bài học lớn nhất tôi rút ra là cần phải có các biện pháp để phòng ngừa sự phản bội, các biện pháp đó là:

    (1) Không để mỡ trước miệng mèo;
    (2) Có rằng buộc thì sẽ tốt hơn (biện pháp nhân sự): rằng buộc hay áp dụng là giữ bằng, giữ tiền (để nhận sự ưu ái và thể hiện trách nhiệm, cái này cần xử lý khéo léo). Tiền có thể là tiền mặt của nhân sự đóng vào cho một mục đích nào đó, có thể là tiền lương mềm được giữ lại chỉ thanh toán sau một thời gian nhât định.
    (3) Có các quy định chế tài hợp pháp (biện pháp hành chính): đền bù chi phí đào tạo, bồi thường khi xẩy ra tình huống phản bội.
    (4) Có quy chế quy định quy trình rõ ràng liên quan tới tài chính trong đầu tư, mua sắm, bán hàng, marketing để kiểm soát thất thoát (biện pháp tài chính);
    (5) Có hệ thống thông tin quản lý phi chính thống;
    (6) Luôn có phương án B;

    BÀI HỌC THỨ 2: QUÁ NHANH CÓ NGHĨA LÀ ĐANG NGUY HIỂM

    Giống như tên của chính bộ phim, khi một công ty phát triển quá nhanh có nghĩa là hàm chứa nhiều rủi ro nguy hiểm. Một nghiên cứu của Mc Kinsey trên 1000 doanh nghiệp chỉ ra rằng chỉ có 10% doanh nghiệp có được lợi thế từ tốc độ tăng trưởng nhanh, còn lại là không được lợi ích gì thậm chí là thành khó khăn.

    Có quá nhiều bài học xung quanh ta những năm vừa qua, nhiều không kể xiết các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khủng hoảng thậm chí gục ngã ngay sau khi phát triển quá nóng, đầu tư dàn trải. Mấu chốt ở đây là vấn đề về mặt tâm lý và quản lý. Về tâm lý là chúng ta hưng phấn quá mức khiến chúng ta dễ sa vào trạng thái thiếu thực tế, khi chiến thắng thì ta nghĩ ta làm gì cũng thắng, mọi sự trong sự kiểm soát của ta. Về mặt quản lý là năng lực quản lý không kịp tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

    Điều quan trọng nhất ở đây theo tôi là trải nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp, kinh nghiệm đầy mình rồi còn nguy hiểm huống chi khởi nghiệp thì đa số là thiếu kinh nghiệm, vì vậy cần đề cao cảnh giác nếu thực sự chúng ta đang đi quá nhanh.

    *CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

    Năm 2010-2011 trong lúc rất nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng thì công ty của tôi lại đang phát triển, phát triển nóng. Tôi ngủ quên trên chiến thắng, đầu tư dàn trải, và kết quả là đầu năm 2013 sau một vài biến cố doanh nghiệp của tôi bắt đầu biết thế nào là khủng hoảng, bắt đầu rơi vào chu kỳ đi xuống. Mặc dù tôi luôn sẵn sàng cho việc khủng hoảng, cho việc thất bại nhưng thú thật với các bạn cảm giác đó thật không hề dễ chịu chút nào, nó càng kéo dài thì càng tổn thọ các bạn ạ, lời khuyên của tôi là tốt nhất đừng để rơi vào nghịch cảnh như vậy.

    Khi đang nhanh cần chậm lại chậm lại một chút, an toàn là bạn tai nạn là thù, chậm mà chắc còn hơn nhanh mà té. Hãy nhớ nguyên tắc số 1 khi để dựng nghiệp thành công tôi đã chia sẻ ở bài trước – nguyên tắc thận trọng – đó là binh pháp khởi nghiệp được đúc kết từ binh pháp tôn tử, từ thành công và thất bại của nhiều doanh chủ, từ trải nghiệm của người viết.

    Cuối tuần chúc mọi người an nhiên tự tại hạnh phúc bên gia đình và người thân !

    Nguyễn Tiến Hoàng – Thành viên CLB Quản trị và Khởi nghiệp
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng