DOANH NGHIỆP CÓ DÁM KHÁC BIỆT TỪ.... CON DẤU?

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 29/3/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Tính đến ngày 01/7/2016 vừa qua, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014) đã tròn một năm có hiệu lực. Đây là thời điểm phù hợp để nhìn nhận, đánh giá kết quả của một năm thực thi LDN 2014, từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước và của chính doanh nghiệp, để có những điều chỉnh cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại và tiếp tục tận dụng, phát huy có hiệu quả nhất những điểm tiến bộ, ưu việt của LDN 2014.

    Trong quá trình soạn thảo, góp ý cho Dự thảo LDN 2014 và khi LDN 2014 chính thức được ban hành và có hiệu lực, một những cải cách tích cực nổi bật của Luật này là về con dấu doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 44 Luật này, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty; con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

    Mặc dù vẫn còn những điểm không rõ ràng và không ít hạn chế trong thời gian đầu thực thi LDN 2014 về con dấu doanh nghiệp như chưa minh thị doanh nghiệp có bắt buộc có con dấu hay không, nhiều quy định của pháp luật hiện hành vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu,…nhưng nhìn chung cải cách về con dấu doanh nghiệp là một trong những cải cách tiến bộ của LDN 2014 khi trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp về số lượng, nội dung, hình thức con dấu; quản lý và sử dụng con dấu. Tuy cải cách về con dấu doanh nghiệp của LDN 2014 chưa phải là sự cải cách triệt để, chưa bỏ hẳn việc sử dụng con dấu doanh nghiệp nhưng cải cách này cũng là tiền đề, sự mở đường để có thể bỏ hẳn việc lệ thuộc vào con dấu doanh nghiệp trong một tương lai không xa.

    Với quy định tại Điều 44 nêu trên của LDN 2014 và các quy định hướng dẫn tại các Nghị định như Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp đã cởi trói cho con dấu doanh nghiệp, đã trao cho doanh nghiệp phần lớn quyền tự quyết các vấn đề có liên quan đến con dấu. Tuy vậy, qua thực tế một năm thực hiện kể từ khi LDN 2014 có hiệu lực thực thi, dường như các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng triệt để cải cách tiến bộ này, chưa có nhiều sự thay đổi, chuyển biến rõ nét, tích cực về việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp.

    Các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào hình thức, nội dung của con dấu theo quy định cũ. Tuyệt đại đa số trong hơn 14.000 mẫu dấu của doanh nghiệp (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện) được công bố trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia hiện nay vẫn là con dấu tròn với đường kính 34 – 36 mm, màu mực dấu vẫn là màu mực đỏ, vẫn chừng ấy những thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ công ty theo cấp quận/ huyện, tỉnh/ thành phố. Hầu như rất ít doanh nghiệp “dám” chủ động tạo cho mình một con dấu mang tính khác biệt và đặc trưng hơn, rất ít doanh nghiệp đưa logo, biểu tượng, hình ảnh vào con dấu của doanh nghiệp mình, trong khi cơ chế pháp lý đã có.

    Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi thói quen phụ thuộc vào con dấu. Vì theo quy định hiện nay trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp phải đóng dấu trong một số văn bản giấy tờ (trong một số biểu mẫu kế toán, thuế,…) nên doanh nghiệp nào vẫn cần có con dấu. Và khi đã có con dấu thì trong hầu hết các văn bản, giấy tờ, doanh nghiệp vẫn cứ đóng dấu để… yên tâm. Điều này cũng là dễ hiểu vì nếu doanh nghiệp này không đóng dấu thì đối tác hoặc các cơ quan tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp cũng sẽ thắc mắc và hỏi lại bởi chưa có nhận thức đồng bộ trong việc thay đổi thói quen sử dụng con dấu giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với cán bộ, cơ quan nhà nước.

    Điều đó cho thấy qua hơn một năm thực thi LDN 2014, dường như các doanh nghiệp vẫn tự trói mình trong nhừng ràng buộc của những quy định cũ về con dấu vốn dĩ đã được thay thế bởi LDN 2014. Các doanh nghiệp vẫn tự trói mình trong hình thức và nội dung của con dấu, bị ràng buộc trong thói quen sử dụng con dấu và chưa mạnh dạn thay đổi tư duy, tận dụng sự đổi mới của pháp luật để dần tách mình ra sự phụ thuộc đối với con dấu.

    Với kết quả thực thi như vậy, những đổi mới về con dấu doanh nghiệp theo quy định của LDN 2014 sẽ không đạt được kết quả như mong đợi bởi lẽ việc sử dụng con dấu vẫn không có nhiều sự chuyển biến tích cực so với trước đây. Nguyên nhân một phần là các doanh nghiệp ngại thay đổi nhưng một phần cũng là do cải cách của LDN 2014 mặc dù có tiến bộ nhưng chưa thật sự triệt để. Điều đó cho thấy khi LDN 2014 được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi đạo luật khác trong tương lai, vấn đề về con dấu doanh nghiệp vẫn phải cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi theo hướng triệt để hơn. Có thể là pháp luật sẽ bỏ hẳn sự điều chỉnh đối với con dấu doanh nghiệp, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp đóng dấu trong bất kỳ văn bản nào mà việc có hay không có con dấu, việc sử dụng con dấu sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định và con dấu, mẫu dấu chỉ nên được xem như công cụ có ý nghĩa “trang trí”, làm đẹp văn bản và là một trong các dấu hiệu nhận dạng thương hiệu của doanh nghiệp.

    P/s1: Không phải ăn theo clip mới đây nói về "tỉ phú đô la" nhưng tôi chỉ mới thấy Vingroup có mẫu con dấu khác biệt, có hình ảnh trên con dấu. Phải chăng họ dám khác biệt, tiên phong trong nhiều lĩnh vực và điều đó cũng thể hiện từ vấn đề nhỏ như khác biệt về con dấu công ty?
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng