Phong trào đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một thứ mốt thời thượng của các doanh nghiệp, đâu đâu cũng nghe người ta nói về vấn đề này, không hiểu vì mọi người đang ảo tưởng về tính hiệu quả của lĩnh vực này hay chỉ dựng phương án để nhắm tới gói tín dụng ưu đãi 100 ngàn tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao của thủ tướng. Là một doanh nghiệp đã nghiên cứu tìm hiểu nông nghiệp công nghệ cao từ 5 năm trước đến nay chúng tôi cũng mới chỉ bước đầu triển khai được ở quy mô nhỏ và đang từng bước dần mở rộng quy mô tuỳ thuộc vào thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực để triển khai quy mô lớn. Cơ sở nền tảng để quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải là nhu cầu của thị trường, và chỉ những nông sản có giá trị cao mới có thể ứng dụng trọn gói công nghệ cao vào sản xuất, vì áp dụng công nghệ cao chi phí sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều phương thức canh tác hiện tại. Chúng tôi mới chỉ đưa vào sản xuất được duy nhất hoa cúc và hoa cẩm chướng bằng công nghệ cao để xuất sang Nhật, vì thị trường Nhật họ chấp nhận giá sản phẩm cao hơn rất nhiều lần giá sản phẩm tiêu thụ ở Việt Nam, thậm chí cao 1000% so với thị trường trong nước. Để triển khai được sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ta cần có công nghệ cao cho sản phẩm ấy, công nghệ có thể có sẵn để chuyển giao công nghệ nhưng cũng có thể phải đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu để phù hợp với đặc thù riêng của vùng canh tác. Nhưng ngay cả khi ta có công nghệ thì nguồn nhân lực để triển khai công nghệ là yếu tố then chốt, và người làm nông nghiệp dù là công nghệ cao hay thấp thì vẫn phải là nông dân. Để đào tạo được nông dân kỹ năng và giữ kỷ cương khi thực hiện quy trình là câu chuyện không thể trong thời gian ngắn, bởi những cá tính đặc biệt của người nông dân Việt Nam. Bao dự án nông nghiệp triển khai đã thất bại chính vì không thể có đủ nguồn nhân lực. Và điều kiện cuối cùng mới là vốn. Khi hai yếu tố nói trên khả thi thì việc huy động vốn không hề khó khăn, thậm chí các tổ chức tín dụng còn tranh dành nhau để được cấp tín dụng. Thật sự lo ngại cho các phong trào nông nghiệp công nghệ cao hiện nay khi chúng ta nghĩ rằng chỉ cần tiền là có tất cả. Cái chúng ta cần là thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực. Nông nghiệp công nghệ cao bao gồm từ công nghệ giống, công nghệ canh tác, công nghệ thu hoạch, công nghệ bảo quản, công nghệ vận chuyển và quan trọng nhất là phải bán được sản phẩm thì mới có thể thành công. Nếu phong trào nông nghiệp công nghệ cao với suy nghĩ có vốn ưu đãi là sẽ thành công như hiện nay thì e rằng 5 năm tới nợ xấu sẽ chính là đây.