Bản kiểm điểm hay là các dấu ấn trong năm 2015

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 29/3/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Trong 20 năm làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước, năm nào mình cũng làm kiểm điểm vào cuối năm. Khách quan mà nói, đây là một việc cần làm, bởi nó giúp người ta cùng nhau nhìn lại một năm làm việc, xem cái gì được, cái gì chưa được để làm bài học cho một năm mới.

    Vậy nhưng ở không ít cuộc kiểm điểm, người ta biến nó thành buổi tuyên dương công trạng, thành tích nổi bật, sự hy sinh của ai đó. Ở nhiều cuộc kiểm điểm, người phê bình và bị phê bình đều ngượng; hầu như việc này rất hình thức và phiền toái vì nó dính đến lương thưởng, bình bầu thi đua, nhiều chuyện bi hài, hỷ nộ ái ố vào dịp cuối năm.

    Năm nay, tôi cũng làm một cuộc tổng kết, một kiểm điểm cá nhân những gì làm được và chưa làm được trong năm bản lề này nhưng với tinh thần mới hơn. Sẽ công khai những điều cần công khai, sẽ minh bạch những điều cần minh bạch. Tất nhiên, tôi không ngại nhưng tôn trọng những tình cảm của đối tác liên quan, nhất là vợ con, sếp, đồng nghiệp, người tình, hồng nhan tri kỷ và để dành những góc khuất ấy cho “hồi ký đời tôi”, một tác phẩm mà có thể không bao giờ công bố.

    Với tôi, năm 2015 thực sự là một năm ấn tượng, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời. Nó đánh dấu một trang mới của lịch sử bản thân. Tôi không gọi những sự kiện sau là “thắng” hay “bại”, “ăn” hay “thua” mà muốn gọi là những dấu ấn vì đôi khi rất khó đánh giá một sự kiện là thành công hay thất bại. Dưới góc độ này nó là thành công, dưới góc độ khác thì không; với người này là thắng, người kia là bại; trong ngắn hạn có vẻ tốt nhưng không bền vững trong dài hạn.

    1. Rời VNPT sau 20 năm cống hiến, một sự khởi đầu đầy thách thức

    Trải qua nhiều vị trí công việc từ kỹ sư, chuyên viên, tổ trưởng, phó phòng đến phó giám đốc một đơn vị của VNPT. Tp.HCM. Công việc 5 năm cuối cùng của tôi là phụ trách công tác tính cước cho hơn một triệu thuê bao của VNPT. Tuy nhiên, công việc tỏ ra nhàm chán sau nhiều năm làm việc. Nhìn lại 20 năm cống hiến, tôi không muốn tiếp tục 15 năm tiếp theo sống cuộc đời viên chức nhàn hạ này nữa. Tham gia MVV Mobile cũng là một thách thức của bản thân, của gia đình. Nhưng có thể nói hiện nay công việc đã ổn định và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Tóm lại, đó là một sự chuyển đổi tích cực, một bứt phá khỏi vùng thoải mái (confort zone) và sự thay đổi không bao giờ là muộn.

    2. Công việc viết chiến lược, các kế hoạch hay sự tổng hợp thông tin trong thời gian hạn định

    Có lẽ đây là công việc mình làm nhiều nhất trong năm. Được may mắn tham gia vào việc hoạch định, tư vấn triển khai các chiến lược của các tập đoàn, tổng công ty là một vinh hạnh. Nó làm sắc sảo và tổng hợp các kiến thức trong quá khứ của ngành Viễn thông và CNTT trong cuộc đời 20 năm làm việc của mình. Nhiều khía cạnh mới mẻ cần được nghiên cứu, nhiều lĩnh vực mới cần được học hỏi, nhiều nhận định sai lầm và chủ quan cần được điều chỉnh.

    Thách thức khi thực hiện dự án tư vấn là thời gian triển khai tương đối ngắn (4 tuần, 6 tuần); Khối lượng công việc đánh giá hiện trạng hệ thống lớn và đồ sộ; Nhân lực triển khai dự án mỏng và ít kinh nghiệm về việc viết chiến lược.

    Kết quả đạt được là thực hiện thành công dự án, có chất lượng và đúng hạn; thay đổi quan điểm của lãnh đạo đơn vị được tư vấn về lĩnh vực Viễn thông, CNTT; Từng bước nâng cao vị thế của MVV Mobile trong lĩnh vực tư vấn SI; góp phần trong việc dành các hợp đồng tư vấn về sau.

    3. Tham dự và trợ giảng lớp học “being the leaders”

    Chỉ sau 6 ngày học, hầu như quan điểm trước đây về học, dạy và làm lãnh đạo đều thay đổi. Cách tiếp cận của khó học này không dạy làm tăng thêm kiến thức cho người học mà chủ yếu cho người học tự trải nghiệm, khám phá bản thân (discover yourself). Thật ngẫu nhiên cách tiếp cận này khá giống triết lý của học viện Sage “We don't teach. We coach”.

    Sau khóa học, tôi cũng trở thành người phụ giảng ở hai khóa sau và chứng kiến sự chuyển hóa, thay đổi quan niệm của người học. Qua các lớp học, tôi cũng thay đổi quan điểm về sự cống hiến và chia sẻ với tư cách là những “leaders”. Chúng ta chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo khi đáp ứng được mối quan tâm của những bên liên quan và quan tâm đến những gì lớn hơn chính bản thân mình. Và một điều quan trọng là không ngừng học hỏi, học tập suốt đời.

    4. Tham dự giải Marathon quốc tế ở Đà Nẵng và Standard Chartered ở Singapore, nỗ lực bền bỉ và không bao giờ bỏ cuôc.

    Những người quen biết cách đây một phần tư thế kỷ đều biết biệt danh của tôi là “Thành béo”, trong những năm ấy tôi nặng 78kg với chiều cao 1m72. Thế rồi khi lựa chọn chạy bộ là hình thức giảm cân và cải thiện sức khỏe, trong 5 năm phấn đấu liên tục, tôi đã giảm được 10kg và từ một người không thể chạy nổi 200m mà không hổn hển, nay tôi đã hoàn tất được cự ly Marathon, 42km trong 4 giờ 30 phút. Tôi cũng không cho việc hoàn thành marathon là một điều không thể nhưng nó thể hiện những nỗ lực của bản thân, sự kiên trì, nhất quán (consistent), không bỏ cuộc trong khi đua dù có chấn thương hay bệnh tật.

    5. Các hoạt động cộng đồng như SRC, JVN, mở rộng và thắt chặt các mối quan hệ

    Yêu thích chạy bộ và mong muốn phát triển phong trào chạy bộ trong thanh niên, sinh viên ở Tp.HCM, nhóm SRC (Sunday Running Club) mà tôi là thành viên tích cực đã cùng với Đại Học Quốc Gia, viện JVN, tổ chức thành công giải chạy địa hinh ở Hồ Đá cho 700 vận động viên là sinh viên hay người chạy phong trào, có cả vận động viên nước ngoài tham gia; và giải Marathon ở Cần giờ, một giải marathon đầu tiên tổ chức ngay tại Tp.HCM với chủ đề “chắp cánh ước mơ” nhằm trao tặng 30 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi của huyện.

    Trong năm 2015 cũng thiết lập các mối quan hệ khẳng khít giữa những người bạn học cùng đại học hiện đang giữ các vị trí quan trọng ở MobiFone, Viettel, VNPT. Tổ chức thành công góp mặt lớp kỷ niệm 20 năm ngày ra trường của Lớp Viễn Thông- Đại Học Bách Khoa.
    Những sự kiện sau tôi cũng tạm xếp vào những mặt chưa được:

    1. Các dự án được kỳ vọng

    Những dự án này được kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, thời gian triển khai đã không đúng kế hoạch, chậm trễ. Việc phối hợp với đối tác chưa đồng bộ, chặt chẽ. Dự kiến về doanh thu cũng không đạt mục tiêu. Nó cũng cho thấy giữa mục tiêu, kỳ vọng và kết quả thực tế có một khoảng cách lớn.

    2. Xây dựng đội ngũ kỹ thuật

    Do làm việc ở xa, không có thời gian ở cạnh anh em kỹ thuật nên một số công tác về kỹ thuật không được kịp thời. Sự phối hợp với đối tác thiếu chặt chẽ. Và một trường hợp đáng tiếc do không theo dõi tình hình tâm lý, công việc của một bạn kỹ sư nên kết quả và năng suất lao động không đạt, dẫn đến việc phải sa thải người này.

    3. Hoạt động thể dục thể thao trong công ty

    Chưa tạo được phong trào thể dục thể thao trong toàn thể MVV Group. Các dự định thành lập nhóm đạp xe, nhóm chạy bộ, team IronMan chưa thực hiện được trong tình hình sức khỏe của các thành viên của ngôi nhà MVV Group đáng báo động.

    4. Chưa dành nhiều thời gian cho gia đình và con cái

    Con cái là niềm hạnh phúc của tôi. Được nhìn thấy chúng lớn lên khỏe mạnh và ngoan là điều may mắn vói người phải vất vả cho việc chuyển đổi công tác vào năm nay. Mặc dù đưa đón con hàng ngày, thỉnh thoảng đưa con đi chơi nhưng sự quan tâm với chúng, theo tôi, vẫn chưa đủ và nhiều thiếu sót.

    5. Học tập một môn nghệ thuật

    Dự tính học một môn nghệ thuật như nhạc, họa nhằm đa dạng hóa lối tư duy bán cầu não trái và nâng cao khả năng sử dụng bán cầu não phải nhưng không thực hiện được.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng