CEO của The KAfe đã từng chia sẻ trong tiếc nuối: "Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình". "Những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm,mà càng về sau càng hiện ra rõ hơn…" Trường hợp thất bại của The KAfe và Đào Chi Anh sau khi gọi vốn 5tr USD từ nhà đầu tư là bài học tài chính điển hình cho các start-up khi gọi vốn. Theo kinh nghiệm của mình khi tư vấn M&A, gọi vốn, và giúp các doanh nghiệp xây dựng quản trị và tài chính, và cả kinh nghiệm xây dựng công ty của mình, sau đây là những sai lầm khi start-up hay doanh nghiệp gọi vốn và sau gọi vốn (thứ tự từ bên ngoài vào bên trong): - Lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp: Có những nhà đầu tư gọi là Nhà đầu tư cá mập, chỉ có mục tiêu thâu tóm chứ không có mục tiêu đồng hành. Họ đến để tiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty và bán công ty chứ không hướng tới dài hạn. Nhiều nhà đầu tư tài chính nhắm đến mục tiêu này. Vì thế, thứ tự ưu tiên lựa chọn nhà đầu nên là Đối tác cùng ngành => Quỹ đầu tư cùng ngành => Quỹ đầu tư tài chính. Trong các thương vụ tư vấn của mình tôi biết có những doanh nghiệp Việt nhận đầu tư với số tiền lên đến đơn vị 2 con số triệu đô nhưng đồng thời cũng nhận về sản phẩm mới từ đối tác, công nghệ mới từ đối tác, hỗ trợ quản trị, chuyên gia từ đối tác để phát triển thị trường Việt Nam. Đó sẽ là mục tiêu hướng tới. Trong khi bản chất quỹ đầu tư tài chính họ sẽ có thời hạn đầu tư và áp lực thoái vốn từ chính cổ đông của quỹ, nên họ đến với bạn ngắn hạn hơn nhiều. - Không cẩn trọng trong đàm phán điều khoản nhận đầu tư: đây chính là điểm mấu chốt trong thương vụ thất bại của The KAfe. Nhận tiền đầu tư sẽ kèm theo hàng loạt các điều kiện của nhà đầu tư, nhất là họ sẽ đưa ra yêu cầu kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Các founders lại thường không giỏi về vấn đề này. Nhà đầu tư sẽ áp đặt các chỉ tiêu mang tính thâu tóm, và nếu founders không đạt được chỉ tiêu, thì họ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và thâu tóm công ty. Các start-up thường không xây dựng cho mình chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu, nên khi khát tiền, họ sẽ chấp nhận một cách mù quáng mọi yêu cầu của nhà đầu tư. Và họ cũng sẽ thường quên đàm phán một gói Incentive (lợi tức gồm cả lương và thưởng) cho các founders. Gói Incentive là bình thường trong mọi thương vụ, nhưng các nhà đầu tư thường hay lờ đi, còn start-up thì không biết mà đàm phán. - Không xây dựng cơ chế quản trị công ty quy chuẩn: Không nhiều start-up hiểu thế nào là quản trị công ty. Cơ chế quản trị công ty không ổn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa người điều hành với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tài chính thuần tuý. Khi xảy ra mẫu thuẫn, các cơ chế không rõ ràng đã khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn. Và như trường hợp The KAfe, người sáng lập Đào Chi Anh đã phải dời khỏi công ty chỉ trong thời gian ngắn ngay sau khi nhận vốn, khiến công ty sụp đổ. - Không xây dựng được kế hoạch kinh doanh khả thi sau gọi vốn: Kế hoạch kinh doanh nửa vời là vấn đề. Khi chỉ có một mình làm chủ, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn. Nhưng khi có nhiều hơn các "ông chủ" bạn cần phải đảm bảo lợi ích của tất cả. Khi đó một kế hoạch kinh doanh chi tiết và khả thi và từ đó các bên bám vào đó mà thực hiện sẽ giúp đáp ứng được lợi ích, hoặc ít nhất lấy đó làm căn cứ "đồng cam cộng khổ". Ngược lại, thì mâu thuẫn sẽ ra tăng. Nhất là founder nào có tư tưởng "tự dưng có tiền" mà giảm nhiệt huyết công việc. Nhà đầu tư cảm thấy lợi ích của họ bị ảnh hưởng, và họ sẽ hành động. Lúc này cơ chế quản trị không tốt sẽ dẫn tới ngõ cụt cho các bên. - Thiếu khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh: nhiều founders sau khi nhận vốn thì hơi vĩ cuồng về khả năng của mình. Họ luyên thuyên về nào là thương hiệu, nào là ý tưởng lớn mà quên mất một điều rằng thương hiệu hay ý tưởng lớn thành công thì đều từ vận hành tốt hàng ngày mà ra. Công ty phải được thiết kế và vận hành tinh gọn. Nếu không thì quy mô bắt đầu lớn do "vừa nhận được tiền", mọi thứ tự dưng trở lên hỗn loạn, chi phí phát sinh khổng lồ, hiệu quả ngày càng giảm . Làm thương hiệu chẳng qua là làm vận hành thật tốt, từ đó thương hiệu sẽ đến. Còn cứ trên mây trên gió thì thất bại sẽ đến. - Không quản lý tài chính và dòng tiền tốt: Ngày xưa, thời còn làm một mình hoặc hai ba mình, tiền bao nhiêu thì cứ chui vào tài khoản rồi lấy ra chi tiêu, đầu tư và chia nhau. Giờ mọi thứ cần phải chuẩn chỉnh, thế là các founders không biết xoay sở thế nào. Lại còn vấn đề về thuế, trước đây bán F&B, toàn khách lẻ lên khai thuế thấp, giờ phải khai đủ doanh thu, chi phí thuế tăng vọt lên. Founders thấy thu được bao nhiêu thì chi hết bấy nhiêu, chưa thấy lợi ích đâu, chỉ thấy quy mô to thì việc nhiều và hiệu quả thấp. Dòng tiền tự dưng chạy hỗn loạn mà không biết đằng nào mà lần. Founders thậm chí không đọc được báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động. Sau khi quy mô to, thiếu tiền do hiệu quả xuống thấp, founders lại tính đến chuyện gọi vốn lần tiếp theo. Lợi ích của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, mâu thuẫn xảy ra. Vì thế cần một chiến lược tài chính tốt và thực thi chiến lược tài chính một cách hiệu quả. Phan Lê Thành Long Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam