Top 3 kỹ năng quan trọng cần có của một nhà quản trị 1. Kỹ năng chuyên môn (Technical Skills) Nhóm kỹ năng kỹ thuật (Technical Skills) hay kỹ năng cứng là tổng thể những tài năng, chuyên môn của một nhà quản trị cần sở hữu để thực hiện nhiệm vụ hoặc xử lý công việc nhất định. Kỹ năng này không phải là kỹ năng mềm, đây là khả năng mà một cá nhân có được khi trải qua học tập, thực hành, thực nghiệm. Một người quản lý công xưởng, nhà máy sẽ cần có chuyên môn, hiểu biết về máy móc, vận hành, kỹ năng quản lý, điều phối các ca làm việc,… Quản lý về các sản phẩm lĩnh vực công nghệ đòi hỏi một người cần có kỹ năng về kỹ thuật máy tính, am hiểu, cập nhật xu hướng về các công nghệ mới,… Trong thực tế, khái niệm “technical skills” không chỉ được hiểu đơn giản là khả năng sử dụng máy móc, công cụ kỹ thuật, mà đây là kỹ năng đòi hỏi cả việc tạo ra những sản phẩm mới, khả năng bán hàng, bán dịch vụ, sản phẩm. Nhà quản trị ở vị trí công việc nào cũng sẽ cần sự am hiểu sâu sắc và là chuyên gia ở lĩnh vực đó. Nhóm kỹ năng này rất quan trọng, chỉ khi có khả năng chuyên môn để xử lý công việc thì nhà quản trị mới có thể đạt được hiệu suất tối đa. Đồng thời, chỉ khi có khả năng chuyên môn, nhà quản trị mới có thể hỗ trợ, hướng dẫn hay điều phối công việc cho các nhân viên cấp dưới. Bên cạnh đó, kỹ năng chuyên môn cũng giúp nhà quản trị tạo dựng được uy tín, niềm tin với nhân viên của mình. Ít một nhân viên nào cảm thấy tin tưởng người lãnh đạo không có năng lực, sự hiểu biết về lĩnh vực, sản phẩm của doanh nghiệp. Nhóm kỹ năng technical skills đặc biệt quan trọng cho các nhà quản trị cấp trung. Trên thực tế, các nhà quản trị cấp cao có thể hiểu biết, có khả năng chuyên môn nhưng có thể không đòi hỏi quá sâu sắc. Quản lý cấp cao thường xây dựng những chiến lược tổng thể, đa dạng và rộng hơn so với nhà quản trị cấp trung. Ví dụ: Nếu công ty hoạt động về mảng công nghệ, cung cấp các phần mềm, các nhà quản lý cấp trung như trưởng phòng công nghệ, trưởng phòng sản phẩm, trưởng phòng bảo trì, bảo hành là những người có kỹ năng chuyên môn về kỹ thuật giỏi nhất chứ không phải là tổng giám đốc. 2. Kỹ năng nhận thức và tư duy (Conceptual Skills) Kỹ năng nhận thức và tư duy (Conceptual Skills) là khả năng hình thành ý tưởng, sự sáng tạo, cái nhìn sâu sắc, đa chiều của nhà quản trị về các tình huống phức tạp để tạo ra những chiến lược, giải pháp độc đáo, khác biệt cho doanh nghiệp. Kỹ năng tư duy đòi hỏi nhà quản trị cần đặt mình vào những tình huống giả định, thúc đẩy họ nhìn nhận các vấn đề phức tạp của tổ chức thông qua bức tranh tổng thể, sau đó tìm ra giải pháp tối ưu và định hướng họ hành động. Nhóm kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với các nhà quản trị cấp cao. Nó đòi hỏi họ phải thấu hiểu được phương hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, có khả năng phân tích, đánh giá, dự đoán cho các tình huống rủi ro có thể xảy đến trong tương lai. Ví dụ: Dịch bệnh Covid ập đến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng sản xuất áo thun của doanh nghiệp A. Nhà quản trị nhận thức được những thách thức và cả cơ hội vào thời điểm đó khi công ty chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm khẩu trang vải đa dạng, phù hợp theo từng nhóm khách hàng nhỏ tuổi, trẻ tuổi, trung niên… Nhờ kỹ năng nhận thức và tư duy, biết điều chỉnh phương hướng cho phù hợp với nhu cầu, thời điểm, nhà quản trị có thể giúp công ty vượt qua các giai đoạn khó khăn. Hoặc khi nhận thấy cơ hội, nhà quản trị cũng giúp công ty có thể nhanh chóng nắm bắt và phát triển vượt trội. 3. Kỹ năng nhân sự (Human or Interpersonal Managerial Skills) Human or Interpersonal Managerial Skills hay còn được gọi là kỹ năng nhân sự, kỹ năng con người, đây là kỹ năng thiết yếu và gần như là bắt buộc đối với bất cứ một nhà quản trị nào. Kỹ năng này bao gồm: Phân công công việc đúng người, đúng thời điểm (việc đúng người) Điều phối nhân sự đúng vị trí, đúng với khả năng của người đó (người đúng việc) Khuyến khích, thúc đẩy, tạo động lực cho nhân viên cải thiện hiệu quả, nâng cao hiệu suất công việc bằng thái độ lắng nghe, đồng cảm, hỗ trợ, luôn đồng hành và tin tưởng họ. Kỹ năng nhân sự sẽ giúp nhà quản trị thúc đẩy nhân viên cấp dưới thực hiện công việc năng suất, hiệu quả hơn. Đồng thời giúp tối ưu hóa nguồn lực, tránh tình trạng “zoombie công sở”, làm việc đối phó, qua loa… Ví dụ: Làn sóng sa thải nhân sự của các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay đang cho thấy một thực tế, trong bối cảnh kinh tế nhiều rủi ro, nguồn doanh thu công ty suy giảm, nhà quản trị cần xem xét để cắt giảm nhân sự để tối đa các khoản chi phí. Muốn vậy, họ phải có kỹ năng nhân sự để đánh giá, xác định đâu là nhóm nhân viên có hiệu suất kém, làm việc không hiệu quả để sa thải, cắt giảm.