(VNF) - Hiện nay có nhiều ý kiến trái ngược về triển vọng phát triển của Bitcoin. Những người lạc quan dự báo Bitcoin đang trở thành đồng tiền dự trữ cho một nền kinh tế tiền ảo rộng lớn hơn (tương tự như vai trò của đồng USD trong nền kinh tế thực). Sự hình thành, phát triển của đồng Bitcoin 1. Blockchain và sự ra đời của Bitcoin Xuất hiện năm 2009, Bitcoin trở thành loại tiền KTS đầu tiên giải quyết được vấn đề thanh toán trùng (double spending) dựa trên cơ sở công nghệ Blockchain (chuỗi khối). Bất cứ ai hiểu về lập trình cũng có thể tham gia “đào Bitcoin” bằng cách dùng hệ thống máy tính để giải các thuật toán ngày một phức tạp. Đến nay, số lượng Bitcoin đã phát hành ra gần 18 triệu và sẽ dự kiến đạt mức tối đa 21 triệu vào năm 2140. Thực tế, không tồn tại “đồng Bitcoin” dưới dạng vật lí, người sở hữu Bitcoin là đang sở hữu một vài khóa mã hóa lưu trữ trên máy tính, đĩa cứng gắn ngoài, hay được in ra trên giấy. Những khóa mã hóa này sẽ cho phép người sở hữu sử dụng số dư Bitcoin tương tự như sử dụng số dư trên tài khoản ngân hàng trực tuyến. Điểm khác biệt là người sở hữu không thể rút Bitcoin ra khỏi mạng lưới như rút tiền từ ngân hàng được. Đặc điểm của công nghệ Blockchain: (i) là một cuốn sổ cái đồng sở hữu, không có một máy chủ sở hữu, không được thay đổi theo thời gian; do đó, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, hạn chế lừa đảo và không tốn chi phí; (ii) quản lí phi tập trung với sự chia sẻ trong xử lí; do đó, cho phép thực hiện thời gian thực với tốc độ xử lí nhanh và chi phí thấp. Trong đó, đặc điểm quan trọng nhất là Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu trên cơ sở cấu trúc chuỗi kèm theo thuật toán. Cụ thể, mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó. Một khi dữ liệu đã được ghi thì không ai có thể thay đổi được toàn bộ hoặc không thể phá vỡ được toàn bộ. Khi hệ thống bị xâm nhập trái phép, thông tin gốc còn lại ở một vài điểm (node) sẽ được lan truyền trở lại các máy tham gia trong chuỗi. Trong quá trình hoạt động, các máy trong chuỗi đối chiếu với nhau dựa trên nguyên tắc đồng thuận- nguyên tắc được xem là xương sống của Blockchain, trở thành một bàn tay vô hình điều khiển hệ thống (kể cả người đã tạo ra hệ thống cũng không thể can thiệp) và đảm bảo sự tin tưởng trên Internet. 2. Sự phát triển và diễn biến giá của đồng Bitcoin Khi được tạo ra vào năm 2009, đồng Bitcoin có giá rất thấp (khoảng 0,35 USD). Cùng với sự phát triển của cộng đồng Bitcoin, giá của đồng tiền này cũng tăng dần. Vào tháng 4/2011, mức giá 1 USD được xem là khởi điểm của bong bóng Bitcoin đầu tiên. Đến tháng 6/2011, Bitcoin có giá hơn 30 USD, rồi nhanh chóng giảm chỉ còn 2 USD vào cuối năm 2011. Vòng lặp này diễn ra hai lần nữa vào năm 2013. Tháng 5/2013, giá Bitcoin tăng lên hơn 250 USD nhưng bị mất giá khoảng 80% sau đó. Cuối năm 2013, giá Bitcoin vượt mức 1.000 USD nhưng lại bị mất giá 80% lần thứ 2. Đầu năm 2015 giá Bitcoin chỉ ở 200 USD nhưng đến tháng 1/2018, đồng tiền này có giá hơn 20.000 USD. Sau đó giá Bitcoin lại lao dốc, chỉ còn khoảng 3.600 USD (tháng 2/2019) và hiện đã phục hồi trở lại, đang ở mức khoảng 9.500 USD/ Bitcoin (cuối tháng 7/2019). Giá Bitcoin phục hồi trở lại là do ngày càng nhiều người tin vào triển vọng của tiền KTS, cũng như xu hướng tăng sẽ còn tiếp tục trong tương lai trong khi tổng cung là hạn chế (giới hạn ở 21 triệu đơn vị) khiến quan hệ cung-cầu lệch pha…v.v. Về tiềm năng, công nghệ Blockchain chưa từng tồn tại trước đây; vì vậy, cần thời gian để kiểm nghiệm. Hiện nay có nhiều ý kiến trái ngược về triển vọng phát triển của Bitcoin. Những người lạc quan dự báo Bitcoin đang trở thành đồng tiền dự trữ cho một nền kinh tế tiền ảo rộng lớn hơn (tương tự như vai trò của đồng USD trong nền kinh tế thực). Sự phát triển của nền kinh tế trên góp phần đẩy giá Bitcoin lên cao hơn nữa và được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, do những đặc điểm như rủi ro và số lượng hạn chế, Bitcoin sẽ còn tiếp tục bị nhiều nước cấm đoán và có thể tự biến mất trong vài thập kỷ nữa… Triển vọng đồng Libra và các đồng tiền KTS trong tương lai Được giới thiệu ngày 18/6/2019 bởi Facebook và 27 tổ chức đồng sáng lập khác, Libra là một đồng tiền kỹ thuật số, dự kiến được tạo ra từ khối chuỗi (blockchain), được cho là có mức độ biến động thấp, độ an toàn cao hơn so với các đồng tiền KTS hiện nay (như Bitcoin, Ethereum…), ra đời với mục đích tạo ra một hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu đơn giản, dễ tiếp cận và dễ sử dụng cho hàng tỷ người. Mặc dù về mặt ý tưởng, đồng Libra đang cố gắng giải quyết các vấn đề của các đồng tiền kỹ thuật số trước đây, song về mặt kỹ thuật, đồng Libra chưa thực sự có quá nhiều điểm nổi bật và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Libra nhận được nhiều sự quan tâm chính là vì triển vọng trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới khởi nguồn từ mạng lưới người dùng Facebook hiện nay và các dịch vụ đi kèm của các thành viên sáng lập ban đầu. Facebook hiện có 2,4 tỷ người dùng, gấp gần 70 lần số người hiện đang có ví tiền mã hóa (35 triệu, theo Statista). Trong số 2,4 tỷ người này bao gồm cả những người đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Nhưng nếu cộng số người dùng facebook và những người không dùng Facebook, chưa có tài khoản ngân hàng, và nếu được cộng đồng, nhà quản lý chấp nhận, số người dùng đồng Libra sẽ ít nhất là trên 2,4 tỷ người trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, không phải nhiều quốc gia chấp nhận tiền KTS như một phương tiện thanh toán hợp pháp; thậm chí, loại tiền này còn bị cấm ở một số quốc gia. Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung còn chưa đầy đủ, kể cả ở các quốc gia cho phép giao dịch chúng. Ngay từ khi chưa ra mắt, đồng Libra đã vấp phải nhiều sự phản đối từ một số nhà lập pháp và chính trị gia trên thế giới. Ngay sau khi ngày công bố 18/6/2019, Facebook đã bị một số Nghị sĩ Mỹ yêu cầu tạm dừng phát triển hoàn toàn dự án Libra và phải điều trần trước Quốc hội; trong khi Bộ trường Tài chính Pháp cho rằng không thể để Libra trở thành một loại tiền tệ tương tự như tiền tệ do NHTW phát hành. Những lo ngại khác bao gồm việc Facebook có thể trở thành một “ngân hàng ngầm”- shadow bank, nguy cơ về hoạt động rửa tiền, tội phạm… Mặc dù đã có bước tiếp cận và làm việc với các NHTW và Chính phủ một số nước, đặc biệt là các quốc gia cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số, song chắc chắn Facebook và các thành viên sáng lập còn rất nhiều việc phải làm trước khi đồng Libra và các ứng dụng khác có thể đi vào hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, vấn đề bảo mật, an toàn vẫn là thách thức lớn đối với việc phát triển của Libra. Nhìn chung Facebook đã thực hiện khá nhiều “động thái” nhằm tạo ra một sự độc lập tương đối giữa hoạt động của Facebook và các vấn đề liên quan đến Libra: (i) thành lập một công ty con Calibra như 1 ví điện tử và nhằm tách dữ liệu thanh toán bằng đồng Libra riêng; (ii) chỉ có một phiếu bầu, tương tự như những thành viên sáng lập khác, đảm bảo quyền bình đẳng và tránh độc quyền thống lĩnh; (iii) cho phép người dùng sử dụng ví Calibra độc lập mà không nhất thiết phải dùng Libra thông qua Facebook, Messenger hay WhatsApp… Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Libra vẫn là ý tưởng và dự án mà Facebook đã khởi động, các đối tác, thành viên sáng lập cũng được tiếp cận và chọn lựa bởi Facebook. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi và tranh cãi xung quanh việc Facebook sẽ kiểm soát như thế nào và ở mức độ nào với Libra? Nếu kiểm soát quá mức (như tự mình thực hiện việc phê duyệt từng giao dịch và kiểm soát từng người dùng), Libra có thể biến thành một PayPal thứ hai. Ngược lại, nếu không nắm toàn quyền kiểm soát (ví dụ giao công việc này cho một sàn giao dịch), Facebook khó có thể kiếm lợi nhuận hơn và khó kiểm soát các hoạt động phi pháp, rửa tiền; việc giao cho Hiệp hội Libra cũng có rủi ro ở chỗ Hiệp hội này được tạo ra thông qua các sự thỏa hiệp và không có gì đảm bảo sẽ giải quyết được vấn đề tìm kiếm lợi nhuận và ngăn chặn rửa tiền cũng như đạt được sự đồng thuận nhanh chóng, hiệu quả khi vận hành trong tương lai. Một số kiến nghị đối với Việt Nam Tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế, sẽ còn tiếp tục tồn tại; mặc dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng những đồng tiền mới lại xuất hiện, với những ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được những nhược điểm của các đồng tiền trước đó. Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain), với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Do đó, không thể ngăn cấm hoàn toàn mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào. Theo đó, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp. Cụ thể, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam; tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này. Theo đó, chúng tôi có 4 kiến nghị như sau. (i) Từ kinh nghiệm quốc tế, đến nay có thể thấy việc quản lý tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng (nếu đồng tiền này đi vào hoạt động) của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, tiền KTS cần phải được cấp phép theo tiêu chuẩn nhất định. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên cần phải thường xuyên được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy chế đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định về việc phân tách giữa tài sản của khách hàng với tài sản của công ty, phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, chuyên gia, quy trình và CNTT. (ii) Nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một xu thế và sẽ được ứng dụng rộng rãi do nhiều ưu điểm của công nghệ này. Vì vậy, NHNN, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo lĩnh vực của mình và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm - sandbox) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ khối chuỗi này. (iii) Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và nhất quán thực thi chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia (Việt Nam đã có một số đề án nhưng khá rời rạc, thiếu nhất quán, đồng bộ, thiếu cập nhật); trong đó, thanh toán không tiền mặt cần có đột phá. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp quản lý các giao dịch thanh toán, chuyển tiền (gồm cả tiền kỹ thuật số) xuyên biên giới nhằm đảm bảo cam kết hội nhập, mở cửa, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. (iv) Cuối cùng, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra này; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp. Đọc thêm thông tin về tiền ảo tại trang https://santienaototnhat.com/dong-tien-ky-thuat-so-xu-huong-va-chinh-sach-quan-ly/