Nhiều người nghĩ rằng tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên là tài sản chung của vợ, chồng. Tuy nhiên, nếu sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người thì liệu có đồng nghĩa với việc đấy là tài sản chung của vợ chồng hay không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé! >>>> Xem thêm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất mới nhất 2022 1. Sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người là tài sản riêng vợ, chồng? Để xác định sổ tiết kiệm của vợ, chồng là tài sản chung hay tài sản riêng cần căn cứ vào nguồn gốc hình thành của sổ tiết kiệm đó. - Tài sản chung: Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân gồm thu nhập từ lao động, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức, thu nhập hợp pháp khác, thừa kế chung, tặng cho chung, tài sản vợ chồng thoả thuận là tài sản chung (căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). - Tài sản riêng: Tài sản có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, được chia từ tài sản chung... (căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Theo quy định trên, để xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng cần xác định các yếu tố sau đây: - Thời điểm hình thành tài sản: Trong thời kỳ hôn nhân hay trước khi hai vợ chồng kết hôn. - Quyền sở hữu: Thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay là tài sản thuộc sở hữu của một mình chồng hoặc vợ. - Nguồn gốc hình thành: Được tặng cho riêng, thừa kế riêng (tài sản riêng) hoặc được tặng cho chung, thừa kế chung (tài sản chung). Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi hoặc nhiều người gửi tại ngân hàng. Do đó, để xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng cần xác định số tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng căn cứ vào các đặc điểm như trên. Bởi sổ tiết kiệm là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với tiền gửi (động sản) nên thực tế rất khó xác định số tiền này là tài sản chung hay tài sản riêng trừ trường hợp có chứng cứ cụ thể như: - Có hợp đồng tặng cho, văn bản thừa kế thể hiện rõ tặng cho, thừa kế chung hay riêng cho vợ, chồng. - Thời điểm hình thành số tiền trong sổ tiết kiệm là trước hay sao khi kết hôn, có thoả thuận nhập tài sản chung hay phân chia tài sản chung vợ chồng không... >>>> Xem thêm: Công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ chồng Đồng thời, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ: "3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung." Như vậy, không thể khẳng định sổ tiết kiệm chỉ đứng tên một người là tài sản riêng của vợ chồng được mà còn phải dựa vào các yếu tố (thời điểm hình thành, nguồn gốc hình thành...). 2. Vợ, chồng có được rút tiền trong sổ tiết kiệm chỉ có tên 1 người? Để xác định chồng có được rút tiền từ sổ tiết kiệm mang tên vợ không thì cần xem xét sổ tiết kiệm này là tài sản chung hay hay tài sản riêng theo phân tích ở trên. Với từng loại tài sản sẽ có giải quyết vấn đề chồng có được rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên mình vợ riêng. Cụ thể: - Nếu sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ thì người chồng chỉ được rút tiền nếu được vợ uỷ quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm hoặc được rút tiền theo hình thức thừa kế (vợ đã chết, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc mà số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật). - Sổ tiết kiệm là tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ đứng tên vợ thì người chồng muốn rút phải chứng minh được đây là tài sản chung. Tuy nhiên, dù chứng minh được thì người chồng cũng chỉ được rút số tiền tương ứng với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng. Nếu muốn rút cả thì cũng phải được người vợ uỷ quyền hoặc cả hai vợ chồng cùng đến ngân hàng để làm thủ tục. 3. Chồng có được rút tiền từ sổ tiết kiệm chỉ đứng tên vợ? Như phân tích ở trên, sổ tiết kiệm có thể đứng tên một người hoặc nhiều người (nếu gửi tiết kiệm chung). Khi thực hiện chi trả số tiền tiết kiệm (rút sổ tiết kiệm), người có tên trên sổ tiết kiệm phải tự mình thực hiện thủ tục rút tiền hoặc qua người đại diện, thông qua uỷ quyền hoặc phân chia di sản thừa kế. Do đó, khi sổ tiết kiệm chỉ đứng tên vợ đồng nghĩa sẽ có các trường hợp sau đây: 3.1. Sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản riêng của vợ hoặc của chồng là tài sản có trước khi kết hôn, có được do thừa kế riêng, tặng cho riêng, do phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân... Tài sản riêng của người nào sẽ thuộc quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt của riêng người đó. Do đó, khi số tiền gửi tiết kiệm là tài sản riêng của vợ, sổ tiết kiệm đứng tên vợ thì người chồng không có quyền được rút tiền trong sổ tiết kiệm của người vợ. Đồng nghĩa, nếu chồng muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm mang tên vợ, là tài sản riêng của vợ thì chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: - Vợ uỷ quyền cho chồng đến ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm. Trường hợp này, khi người chồng rút tiền cần phải mang theo các loại giấy tờ nêu tại Điều 18 Thông tư 48/2018 gồm: + Sổ tiết kiệm. + Giấy tờ chứng minh nhân thân của người đứng tên trên sổ tiết kiệm (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu...) và của người được uỷ quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm. + Giấy uỷ quyền. - Chi trả theo thừa kế. Ngoài trường hợp uỷ quyền đại diện thì chỉ có trường hợp người chồng được rút tiền từ sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ, mang tên mình vợ khi người vợ đã chết và các đồng thừa kế đã lập Văn bản thoả thuận/khai nhận di sản thừa kế là sổ tiết kiệm tại tổ chức hành nghề công chứng (Phòng/Văn phòng công chứng). >>>> Xem thêm: Dịch vụ sang tên sổ đỏ trọn gói từ A - Z Trong trường hợp này, người chồng cầm theo sổ tiết kiệm, giấy tờ nhân thân của các đồng thừa kế, Văn bản thoả thuận/khai nhận di sản thừa kế, giấy chứng tử của người vợ, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người vợ (đã chết) với người chồng và các đồng thừa kế khác đến ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm. 3.2. Đây là tài sản chung của vợ chồng và người vợ thay mặt (uỷ quyền hoặc không có uỷ quyền) đứng tên trên sổ tiết kiệm. Khi sổ tiết kiệm được lập dựa trên số tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng thì hai vợ chồng có thể thoả thuận sổ tiết kiệm đứng tên một người hoặc đứng tên cả hai vợ chồng. Trong trường hợp có thoả thuận chỉ đứng tên vợ thì khi muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm này, người chồng cần phải chứng minh được đây là tài sản chung. Theo đó, căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung vợ chồng là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh, do vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung hoặc tài sản vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Đặc biệt, nếu là tài sản chung thì cả vợ và chồng đều có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, sở hữu tài sản này. Bởi vậy, khi sổ tiết kiệm chỉ đứng tên vợ nhưng nếu xác định được đây là tài sản chung, người chồng muốn rút tiền thì cần phải có căn cứ như văn bản thoả thuận sổ tiết kiệm là tài sản chung nhưng chỉ đứng tên vợ. Khi đi rút tiền có thể cả hai vợ chồng cùng phải đi hoặc người vợ có thể uỷ quyền cho người chồng thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Như vậy trên đây là giải đáp của Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ về vấn đề "Vợ, chồng rút tiền trong sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người". Ngoài ra, nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến nội dung trên hoặc cần tư vấn các vấn đề pháp lý khác về công chứng và Sổ đỏ, xin vui lòng liên hệ tới Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo thông tin: MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội Hotline : 0966.22.7979 – 0935.669.669 Email: ccnguyenhue165@gmail.com