Từ câu chuyện Hàn Tín, liệu các anh chị có dám giao "cơ nghiệp" cho những người trẻ?

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Sinh Viên Luật, 17/4/17.

  1. Sinh Viên Luật

    Sinh Viên Luật Moderator

    Khi xem bộ phim "Hán Sở truyền kỳ", tôi đã rất thích thú với điển tích Hàn Tín vô danh tiểu tốt lại được Lưu Bang trao làm đại tướng quân. Nay xin chia sẻ để các anh chị bình luận thêm. Trong bài cũng có rất nhiều câu hỏi, các anh chị có thể chọn câu hỏi mình thích thú để trả lời.

    KỂ CHUYỆN XƯA

    Khoảng hơn 200 năm trước Công nguyên, lúc đấy giao tranh giữa quân Hán (Lưu Bang) và quân Sở (Hạng Vũ) diễn ra trong bối cảnh diệt bạo Tần (Tần Thủy Hoàng).

    Khoảng 20 tuổi, Hàn Tín xin gia nhập nghĩa quân của Hạng Vũ, là lính quèn đứng gác ở ngoài lán của Hạng Vũ hay nghe lỏm quân cơ và thỉnh thoảng “chõ mũi” vào bày mưu khiến Hạng Vũ nhiều lần tức giận. Chán nản vì không được dùng, Hàn Tín bỏ quân Hạng Vũ sang đầu quân cho Lưu Bang. Về quân của Lưu Bang cũng vậy, Hàn Tín vốn chẳng có tiếng tăm gì nổi trội nên chỉ được cho làm liên ngao trông coi kho. Trong thời gian này, Hàn Tín tìm cách gặp và nói chuyện với các tướng thân cận của Lưu Bang như Tiêu Hà, Hạ Hầu Anh và được tiến cử lên Lưu Bang. Tuy nhiên, do không biết Hàn Tín là ai nên Lưu Bang cũng không dùng. Hàn Tín cho rằng chưa tìm được chủ công nên bỏ trốn khỏi quân đội của Lưu Bang (lúc này tình hình khó khăn, quân sĩ bỏ trốn nhiều). Tiêu Hà (sau này là tể tướng) nghe tin liền lên ngựa đi tìm Hàn Tín quay trở lại vì cho rằng Hàn Tín là nhân tài khó tìm. Hàn Tín đồng ý quay về nhưng với điều kiện phải làm “Đại tướng quân”. Tiêu Hà đồng ý quay về sẽ tiến cử lên Lưu Bang. (Thuật lại theo phim Hán Sở Truyền Kỳ).

    Năm 23 tuổi, Hàn Tín được Lưu Bang giao trọng trách làm Đại tướng quân của quân Hán, mở đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của cả Lưu Bang và Hàn Tín về sau và xây dựng cơ nghiệp 400 năm nhà Hán. (Thuật lại theo phim Hán Sở Truyền Kỳ).

    Hàn Tín được Lưu Bang phong một phát lên Đại tướng quân từ một chức độ úy nhỏ nhoi, trước đó chưa cầm quân bao giờ. Điều này khiến cho các tướng sĩ khác không phục. Hàn Tín đã hỏi các vị tướng quân: “Cho ngài 10 vạn đại quân, điều phối ra sao đây? Ngài tính toán chưa? 20 vạn? 100 vạn thì sao?”. Lúc ấy, quân Lưu Bang chỉ có 10 vạn. Các tướng đều không biết làm thế nào, một vị tướng quân hỏi Hàn Tín: “Vậy ngươi điều phối ra sao?” Hàn Tín trả lời: “Ta chỉ cần 10 vị tướng quân nghe theo mệnh lệnh là có thể thống soái 100 vạn đại quân. Ta là đại tướng quân, không phải người cầm quân, mà là người cầm tướng. Tra thiên văn, quan địa thế, thông thạo binh pháp, túc trí đa mưu, nói phải làm, làm phải quyết đoán, thưởng phạt phân minh, ra lệnh phải làm. Mọi người ở đây, có ai phù hợp với yêu cầu đó không?”. (Thuật lại theo phim Hán Sở Truyền Kỳ).

    BÀN CHUYỆN NAY

    Sự nghiệp làm Đại tướng quân của Hàn Tín có thể nói là rất nhanh. Nếu trong thời điểm hiện nay liệu có một nhân tài nào tầm ngoài 20 tuổi được giao trọng trách lãnh đạo một doanh nghiệp để xây dựng cơ nghiệp trăm năm? Phải nói thêm là mối quan hệ giữa Hàn Tín và Lưu Bang không phải quan hệ thân thích cũng như Hàn Tín không phải con cháu của ai cả. Một số vấn đề dưới đây được bàn luận thêm và rất mong các anh chị chia sẻ thêm quan điểm của mình.

    1. Về bối cảnh: lúc đó quân Hán còn rất yếu, dưới trướng Lưu Bang tuy có nhiều tướng quân nhưng hầu hết đều xuất thân từ nông dân mà chưa có người được đào tạo bài bản, am hiểu binh pháp. Có thể nói đây là giai đoạn "Start-up" của Lưu Bang, giai đoạn này Lưu Bang cũng đã vượt khỏi giai đoạn khởi nghiệp ban đầu, đã gặt hái một ít tiếng tăm trong thiên hạ và đang cần mở rộng quy mô của mình.

    => Câu hỏi: Vậy liệu khi doanh nghiệp của các anh chị đạt đến một điểm mà các anh chị cần một người am hiểu về quản trị và điều hành doanh nghiệp, liệu anh chị có trao trách nhiệm này cho một người có sự am hiểu như vậy không?

    2. Về Hàn Tín: Hàn Tín là người nghĩ đại sự, lo tinh luyện binh pháp và các kiến thức về quân sự từ rất sớm. Tuy trẻ nhưng kiến thức uyên thâm, có đủ năng lực lãnh đạo đại quân, cái Hàn Tín thiếu là KINH NGHIỆM. Như vậy cũng có thể thấy Lưu Bang đã chấp nhận rủi ro khi giao cho Hàn Tín làm Đại tướng quân.

    => Câu hỏi: Tiếp theo câu hỏi trên, liệu cách anh chị có sẵn sàng giao cơ nghiệp của mình cho một một có sự hiểu biết, còn trẻ nhưng... chưa có kinh nghiệm không?

    3. Hàn Tín ở dưới trướng Hạng Vũ không được tin dùng, ông sang đầu quân Lưu Bang. Nếu hôm ấy Tiêu Hà không phóng ngựa đi tìm Hàn Tín thì chắc Tín cũng bỏ Lưu Bang mà đi. Bên cạnh điển tích Lưu Bị ba lần đến lều cỏ tìm Gia Cát Lượng (năm ấy Lượng khoảng 26-27 tuổi) thì có lẽ chuyện Tiêu Hà đi tìm Hàn Tín cũng mang tính chất trọng nhân tài như vậy.

    => Câu hỏi: Khi gặp người mà các anh chị có thể coi là hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp của mình, liệu các anh chị có sẵn sàng tìm mọi cách để mời họ về làm việc không?

    4. Chuyện tiến cử của Tiêu Hà là yếu tố chính giúp Hàn Tín được làm Đại tướng quân. Quả thực Lưu Bang không tin Hàn Tín nhưng lại rất tin Tiêu Hà. Tiêu Hà cũng chỉ mới gặp Tín nhưng đã đánh giá đây là người có khả năng tạo sự nghiệp lớn nên đã lấy mạng của mình ra để tiến cử Hàn Tín. Lưu Bang cũng nhận sự tiến cử trên mà không có một bài "test - kiểm tra" kỹ lưỡng đối với Hàn Tín như quy trình tuyển dụng bây giờ.

    => Câu hỏi: Giả sử cấp dưới của anh chị (là một người tin cẩn) có đề nghị tiến cử một nhân tài, liệu anh chị có sẵn sàng gặp, trao đổi rồi trao quyền cho người ấy mà bỏ qua các bài kiểm tra tuyển dụng phức tạp?

    5. Tiêu Hà nhìn ra tài của Hàn Tín mà từ đó tiến cử lên Hán Cao Tổ – Lưu Bang, ông lấy cả tính mạng của mình ra để đảm bảo khiến Hán Cao Tổ tin tưởng. Nếu không phải vì nghĩ cho cơ nghiệp của Lưu Bang thì Tiêu Hà đã không làm vậy. Với tầm của Tiêu Hà hoàn toàn có thể dùng Hàn Tín để tách ra dựng cơ nghiệp cho mình.

    => Câu hỏi: Nếu các anh chị nhìn ra một nhân tài, liệu các anh chị có như Tiêu Hà mà lấy cả sự nghiệp của mình ra để tiến cử nhân tài này lên cấp trên không?

    6. Hàn Tín tuy còn trẻ nhưng đã "học" cách thống lĩnh đại quân. Tuy quân chỉ có một vài vạn nhưng đã chuẩn bị kế sách cho đại quân cả trăm vạn. Hàn Tín bảo chỉ cần 10 vị tướng quân nghe theo mệnh lệnh là có thể thống soái 100 vạn đại quân. Như vậy, trong điều hành doanh nghiệp, cần thiết kế một quy trình chỉ đạo và kiểm soát (hay còn gọi là quản trị doanh nghiệp). Như vậy, chỉ cần quản các nhân sự quản lý cấp dưới mình, không phải trực tiếp đi quản một nhân sự cấp thấp. Lúc ấy tất điều hành được một lượng nhân lực lớn trong công ty.

    => Câu hỏi: Nếu các anh chị khởi nghiệp với quy mô nhỏ thì liệu các anh chị đã có sự "chuẩn bị" về việc quản trị và điều hành cho sau này khi quy mô được mở rộng chưa?

    7. Hàn Tín không biết dùng sức đánh trận nhưng được làm Đại tướng quân bởi kiến thức uyên thâm khiến người khác bái phục. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn có thể là giám đốc một công ty sản xuất quần áo cho dù bạn không có kỹ năng may một chiếc áo. Tuy nhiên, bạn phải thông hiểu tất cả mọi thứ trong doanh nghiệp để có thể điều phối mọi nguồn lực trong doanh nghiệp của mình.

    => Câu hỏi: Các anh chị đã chuẩn bị các kiến thức đảm bảo thông hiểu mọi mảng trong doanh nghiệp (không cần chuyên sâu) để có thể điều phối các nguồn lực trong doanh nghiệp của mình chưa?

    Rất cảm ơn các anh chị đã dành thời gian quan tâm và xin lắng nghe chia sẻ thêm từ các anh chị.

    Trương Đức Thắng (ACCA, CIA, MSc)
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng