Đây là phỏng dịch của tôi bài phỏng vấn “Philosophy and the Serious Runner” của Tổng biên tập Jonathan Beverly của Tạp chí Running Time với Mark Rowlands, tác giả của sách “Chạy với Đám đông” (Running with the Pack-RWTP). Nếu như bạn đã và đang chạy bộ đủ dài, cỡ chừng 20 km trở lên hay đủ lâu, khoảng 2 năm thì việc tìm hiểu lý do tại sao bạn quần quật chạy ngoài công viên, ngoài đường như một kẻ điên, bất chấp mưa nắng và những trải nghiệm không dễ chịu là rất cần thiết. Điều này cũng giải thích nhiều vấn đề mà một người không chạy bộ ít có cơ hội trải nghiệm. RunningTime (RT): Ông nhận thấy có một tương quan (correlation) giữa một người chạy bộ đủ dài và đủ “nghiêm túc” với sự hiểu những khái niệm mà ông mô tả? MarkRowlands (MR): Nói ngắn gọn là Có. Còn trả lời dài thì… Khi người ta bắt đầu chạy bộ, họ thường có những lý do mang tính phương tiện (instrumental reason). Sức khỏe thường là một lý do phổ biến. Họ không muốn cái cách mà thiên hạ nhìn họ như béo mập, lười vận động, ..là lý do khác. Bản thân tôi có một lý do khá đặc biệt đó là tôi có chung nhà với một chú chó tham lam, bạ đâu cũng ăn những thứ đồ trong nhà cho đến khi mệt lử. Bất kể lý do nào, mọi người khi chạy đều có một lý do và lý do đó thường là một điều gì đó bên ngoài việc chạy; một điều gì đó mà việc chạy sẽ giúp họ đạt được. Đó là điều tôi muốn nói khi nói về lý do mang tính phương tiện: Chạy bộ, với họ, là một phương cách, một phương tiện để đạt mục đích. Một cách khác để biết một người chạy với lý do mang tính phương tiện hay không là hỏi họ như sau:”Nếu có một viên thuốc vạn năng có thể mang lại cho anh tất cả các lợi ích của việc chạy bộ như sức khỏe, ngoại hình, kể cả niềm vui, anh có tiếp tục chạy không?” Và theo kinh nghiệm bản thân, một người chạy càng lâu thì khả năng trả lời là Có, cho việc họ sẽ tiếp tục chạy. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng chạy bộ đã tác động lên anh khác với, hầu như độc lập với những lợi ích mà sức khỏe đem lại, tác động của nó đến vòng eo, lên sáu múi, kể cả cái cách nó mang lại niềm vui cho anh khi chạy. Cuối cùng, nếu anh chạy đủ lâu, đủ khó khăn vất vả, anh sẽ khám phá ra một giá trị của việc chạy: một giá trị mà việc chạy cho chính nó (chạy bộ “vị” chạy bộ). Đó chính là giá trị nội tại (instrinsic value) của việc chạy. Anh sẽ thấy sự tương quan, ít nhất là với kinh nghiệm của tôi, giữa những giai đoạn của việc chạy. Một người chạy được một dặm (1,6km) có thể hiểu được giai đoạn mà tôi gọi là “giai đoạn Descartes”, theo tên của một triết gia người Pháp thế kỷ thứ 17 tên là Descartes. Đó là giai đoạn mà tâm trí mặc cả với thân thể, lừa phỉnh ít nhiều. Hãy chạy đến góc ở đằng kia, chỗ nọ rồi anh có thể đi bộ một chút. Liên quan đến giai đoạn kinh nghiệm này là một dạng như tách biệt giữa thân thể và tâm trí trong đó tâm trí chịu trách nhiệm chính. Đó cũng là cách mà Descartes nghĩ về con người nói chung (theo hướng nhị nguyên, phân biệt cơ thể và tâm trí). “Giai đoạn Hume”- gọi theo tên nhà triết học người Scotland thế kỷ 18, David Hume – là trạng thái khó đạt hơn. Đó là giai đoạn mà tâm trí dường như biến mất thay vào đó là những ý nghĩ có vẻ như từ hư không. Nghĩa là giai đoạn mà chỉ có những ý nghĩ mà không có người nghĩ. Đó cũng là cách thức mà Hume nghĩ về chúng ta: chỉ là một mớ, một tập hợp những suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, vân vân, mà không có chủ thể suy nghĩ nằm sau mớ suy nghĩ đó. Giai đoạn này, theo kinh nghiệm của tôi là sản phẩm của hai vấn đề: Sự mệt mỏi và nhịp độ. Lúc này chúng ta đã mệt nhưng vẫn có khả năng duy trì nhịp độ bất chấp mệt mỏi. Điều này cũng liên quan đến kỹ năng hay sự phát triển của cá nhân người chạy mà không phải ai cũng đạt tới. Giai đoạn cuối cùng,“giai đoạn Sartres”- gọi theo tên triết gia hiện sinh người Pháp J.P.Sartres, rất khó đạt tới. Tôi chỉ đạt tới trạng thái này khi tham gia cuộc chạy marathon khi đó bắp chân gần như xé rách, xảy ra ở nửa chặng khiến tôi muốn chết đi cho xong. Để đến giai đoạn này, anh cần phải trải qua “giai đoạn Hume” và tiến vào “vùng nước sâu”. Trong “vùng nước sâu” này, anh sẽ nếm trải kinh nghiệm tự do hay đại loại thế. Tự do song hành với việc nhận ra rằng lý trí không hề còn thẩm quyền đối với anh nữa. Anh có nhiều lý do để bỏ cuộc- những kinh nghiệm không thú vị, cực kỳ đau đớn hay đại loại vậy. Thế nhưng, không lý do nào có thể dừng anh lại được. Anh đã vượt qua thẩm quyền của lý tính. Triết gia Sartres gọi nó là sự “khắc khoải tự do”. Với tôi, tôi phải thừa nhận là nó còn hơn niềm vui. Mỗi giai đoạn theo thứ tự tuần tự mỗi lúc một khó đạt. Theo kinh nghiệm của tôi thì số lượng người chạy bộ hiểu được các khái niệm này giảm dần theo từng giai đoạn, nhiều người hiểu được “giai đoạn Descartes” nhưng rất ít người hiểu “giai đoạn Sartres”. Tuynhiên, tôi nghĩ rằng những vận động viên có tinh thần thi đấu đa phần đều hiểu tất cả các giai đoạn này. RT: Ông có thấy rằng thi đấu được coi như một khía cạnh khác của giá trị nội tại của việc chạy không? Hay ông cho rằng thi đấu cũng đơn giản chỉ là một giá trị bên ngoài đủ để được đánh giá là giá trị nội tại mà đám đông (pack) mang lại. MR: Có một sự hiểu lầm về quan điểm mà tôi bảo vệ trong sách RWTP rằng tôi chống lại việc thi đấu thể thao. Thật là khác xa với sự thật. Tôi so sánh việc chạy với trò chơi (game) - một loại hoạt động mang giá trị tự thân. Lý do thực sự của việc chạy chỉ đơn giản là chạy, cũng như lý do thực sự của chơi game chỉ đơn giản là chơi game. Nếu anh thực hiện nó với lý do khác, ví dụ như thắng game để mang lại cho anh nhiều tiền thì đó không còn là chơi nữa mà anh làm việc. Nhưng trò chơi, ngay cả bỏ qua mục đích tiền bạc, thì đầy những mục đích. Không có mục đích thì cũng không có trò chơi. Ở đây, ví dụ như tôi có một trò chơi trong vài tuần. Tuần này, tôi nói với bản thân rằng tôi sẽ chạy từng đó km giống nhau trong năm ngày và mỗi ngày tôi sẽ chạy nhanh hơn ngày hôm trước. Đó là một trò chơi thú vị. Tương tự như vậy, một người quyết định chơi trò chơi theo kiểu này: năm nay tôi sẽ chạy nhanh nhất trong nhóm cùng lứa tuổi trong cuộc marathon do địa phương tổ chức. Theo tôi hiểu thì đó cũng là một trò chơi thú vị. Hoặc tiếp nữa, anh đang lên kế hoạch cho việc chạy marathon với thành tích 3 giờ 45 phút và anh sẵn sàng để thực hiện điều đó cũng là một trò chơi thú vị. Tôi không chống đối việc chơi game và gọi một cái gì đó là trò chơi không phải là giảm giá trị của nó. Trái lại, trò chơi khiến cuộc sống đáng sống hơn. Quan điểm của tôi thực ra là nhấn mạnh vào quan hệ lành mạnh giữa các mục tiêu của chúng ta. Luôn luôn có trò chơi khác vào ngày hôm sau. Thất bại trong việc hoàn thành một mục tiêu hay mục đích trong một trò chơi không quan trọng bởi vì người ta có thể chơi trò khác vào ngày hôm sau. Thất bại trong việc hoàn thành một mục tiêu không làm giảm giá trị của chúng ta. Trái lại, chính chúng ta lựa chọn các mục tiêu, chúng ta quyết định và định hình chúng chứ không phải những mục tiêu định hình chúng ta.