Có lần, thuyết phục mãi, một chị chủ của một spa lâu đời ở Hà Nội vẫn không chịu có mặt trong buổi đào tạo nhân viên về thái độ ứng xử với khách hàng chỉ vì lý do lãng xẹt. Tôi thấy chị ấy lơ là với việc đào tạo từ đầu, nên nửa đùa nửa thật: “Trời, chị không đến nhỡ em dạy “bậy” cho nhân viên của chị thì sao?”. Chị ấy đến dự, nhưng sau đó cũng không làm gương. Tôi chủ động chấm dứt mối hợp tác đó sớm vì tôi không thấy khát vọng thay đổi của doanh nghiệp, nên kiểu gì đào tạo cũng thất bại. Sở dĩ tôi biết vậy vì Tôi đã bắt đầu việc đào tạo trong nội bộ như một cơ duyên cách đây 12 năm. Khi đó tôi đang làm ở bộ phận PR-marketing của một công ty kinh doanh đa ngành nghề. Họ mời đội ngũ chuyên gia nước ngoài thực hiện một đợt đào tạo về sản phẩm mới và thiếu người dịch. Tôi lúc đó chỉ đơn giản là người dịch cho chuyên gia. Thế nhưng, học xong, nhân viên của chúng tôi vẫn chưa hiểu. Tôi lại nghĩ cách làm sao hệ thống hoá và đơn giản hoá kiến thức và giảng lại cho các bạn ấy. Giảng xong tôi lại nghĩ, dịch vụ này quan trọng, mình cần làm một bài test. Thế là cứ dần dần tôi bước chân vào nghề đào tạo nội bộ. Sau này dù có làm MC, làm báo, nhưng tôi vẫn thường được mời đào tạo nội bộ. 12 năm được nhiều đơn vị mời chia sẻ, từ diễn giải chiến lược thương hiệu của công ty cho nhân viên cấp dưới, văn hoá doanh nghiệp, lý thuyết sản phẩm dịch vụ, kỹ năng nghe nói ngồi cười v.v…, thế mạnh của tôi là đơn giản hoá những điều phức tạp thành những thứ dễ hiểu nhất đến nhân viên cấp thấp nhất cũng phải hiểu được. Tôi có những đúc kết những sai lầm dẫn đến thất bại khi đào tạo nội bộ dưới góc nhìn của mình. Đây chuỗi bài viết về chủ đề này. Trong bài viết đầu tiên của seri, tôi muốn nói đến vai trò của doanh chủ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy thành bại của đào tạo trước tiên là do chủ doanh nghiệp. 1. Tại sao lại thế? Nếu chủ doanh nghiệp muốn đào tạo nhân viên thì người học là nhân viên cơ mà? • Rất đơn giản. Doanh chủ làm ra sản phẩm là muốn phục vụ khách hàng. Nhưng chủ không thể gặp từng khách hàng được, mà là nhân viên. Họ chính là cây cầu nối bạn với người khách. • Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là do người chủ. Muốn nhân viên hiểu và tin mình, thì mình phải chia sẻ, đào tạo. • Hiểu biết, tâm huyết, quan điểm của doanh chủ về sản phẩm, dịch vụ cũng cần được thấu hiểu và hành động thông suốt từ trên xuống dưới. 2. Muốn đào tạo nhân viên tốt, người chủ doanh nghiệp cần làm gì? • Phải muốn đào tạo và muốn tiến bộ. Chuyện đương nhiên nhỉ? Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng đào tạo là quan trọng, nhưng họ chưa thực sự MUỐN. Tôi đã thấy doanh nghiệp nói cần đào tạo, nhưng họ chẳng làm gì cả. Họ trông đợi các tình huống vụn vặt không có hệ thống sẽ giúp nhân viên của họ trưởng thành. • Trực tiếp tham gia chỉ đạo và theo sát quá trình đào tạo. Khi được mời đào tạo ở đâu, tôi luôn đề nghị được nghe chủ doanh nghiệp chia sẻ tâm tư nguyện vọng của họ, càng lâu càng tốt. Tôi cũng gửi và thống nhất nội dung với họ. Và đặc biệt là tôi luôn đề nghị chủ doanh nghiệp hoặc cấp quản lý cao nhất của bộ phận phải ngồi dự đào tạo. Tôi không “dạy dỗ” gì cho họ hết. Họ quá thành công trên thương trường và là bậc thầy của tôi về nhiều nghĩa. Nhưng sự xuất hiện của chủ doanh nghiệp trong buổi học (1) là thông điệp mạnh mẽ nhất cho việc coi trọng học tập, (2) giúp họ có thể giãi bày thêm những mong mỏi của mình với nhân viên, (3) muốn thực hành những gì được đào tạo, chủ doanh nghiệp phải biết là nhân viên được đào tạo cái gì, năng lực tiếp thu đến đâu, (4) đảm bảo sự xuyên suốt về tư tưởng và hành động trong tổ chức. • Làm gương. Tôi đã từng gặp chủ doanh nghiệp chỉ nghĩ đào tạo là món trang sức ngày nay đeo, ngày mai tháo. Có tổ chức khoá này khoá kia là profile công ty thêm dày dặn. Họ đào tạo rất hoành tráng nhưng sau đó không thực sự làm theo, mà sai lầm là từ việc sếp không gương mẫu. Ví dụ, đào tạo cả một ngày, nhân viên các bộ phận đã biết cười rất đẹp, ngồi thẳng lưng duyên dáng khi tiếp khách. Nhưng khi vào thực tế, mặt sếp vẫn khó đăm đăm không có nổi một nụ cười với khách hàng. Chương trình đào tạo vì thế có thể gọi là thất bại bởi nhân viên chẳng hiểu họ phải cười làm gì khi sếp của họ thấy điều đó chả quan trọng. Thế đấy, làm chủ có phải là dễ đâu, đã lo đầu vào, đầu ra, tiền tệ, lo ngoại giao đối tác, chăm sóc khách hàng, lại còn phải đào tạo nhân viên nữa. Nhưng biết làm sao được, nhân viên kém thì doanh nghiệp thiệt, nên chắc là các sếp vẫn phải cố cố cố mãi thôi... (Còn tiếp) P/S: • Bài viết nằm trong phần chia sẻ tại Permanent Make Up Artists Competition do Global PMAC và CMC tổ chức, có một số start up ngành làm đẹp trong group mình tham gia (ảnh). • Bài viết dưới góc độ chia sẻ thực tế và quan điểm cá nhân, mong có thêm ý kiến thảo .