“Một trong những vấn đề lớn nhất của hầu hết mọi người không phải là họ không thể yêu thương mà là họ không biết thể hiện và bày tỏ tình yêu của mình. Nếu muốn có tình yêu và tạo dựng những mối quan hệ tình cảm, ta phải sẵn lòng bày tỏ cảm xúc của mình. Đó là vấn đề lớn nhất của chú. Vì vậy đối với chú, một trong những bật mí về Tình Yêu là sức mạnh của sự giao tiếp.” Chàng trai đang ngồi đối diện nhân vật thứ bảy trong danh sách, ông Chris Palmer. Ông Palmer là tài xế xe taxi, dáng người thấp bé mảnh khảnh. Ông tầm 50 tuổi, có mái tóc xám bạc và đôi mắt xanh nhạt. Hai người gặp nhau vào giữa trưa và cùng ngồi ăn bánh mì kẹp trên một băng ghế dọc bến xe taxi. “Đáng ngạc nhiên ở chỗ, chú không hề nhận ra vấn đề của mình cho đến khi gặp ông lão Trung Hoa,” ông Palmer nói. “Một đêm nọ, chú đang trên đường về nhà thì ông ấy bắt xe taxi của chú và hỏi liệu chú có thể đưa ông đến ga xe lửa không, vì ông cần bắt chuyến tàu lúc 11:20 đêm đến York. Chỗ đó có hơi ngược đường nhưng chú vẫn đồng ý chở ông tới đó. Ông và chú trao đổi đôi ba câu, chỉ nói về những chuyện thông thường – tin tức, thời tiết, thể thao – chứ chẳng có chủ đề cụ thể nào. Nhưng không hiểu sao cả hai lại nói sang chủ đề tình yêu và các mối quan hệ. Chú bảo ông rằng mình không muốn nói về chuyện tình yêu. Vợ chồng chú đang có chuyện lục đục và chú không muốn nghĩ về chuyện đó. Sau đó, ông nói một điều để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí chú. Ông nói, ‘Một trong những căn bệnh làm con người đau khổ nhất chính là sự bất lực trong giao tiếp.’” “Chú liền hỏi ông nói vậy là có nghĩa gì, thế là ông quay sang nhìn chú và nói, ‘Ông biết có một người đàn ông không nhớ nổi đâu là lần cuối ông nói yêu vợ mình. Ông thậm chí không nhớ được đâu là lần cuối ông cảm ơn vợ vì những điều bà đã làm cho ông. Người đàn ông này tự nhận mình là mạnh mẽ, nhưng lại chẳng có đủ can đảm để nói yêu vợ. Cháu tưởng tượng nổi đó là người đàn ông thế nào không?’” “Tất nhiên là chú có thể hình dung ra vì miêu tả đó hoàn toàn trùng khớp với con người chú. ‘Nhưng