Ngày nay, xu hướng thị trường liên tục thay đổi. Hành vi tiêu dùng và độ trung thành của khách hàng cũng từ đó thay đổi theo. (vd giới trẻ đang chuyển sang mua sắm và tiêu dùng tại các kênh cửa hàng tiện lợi ở thành thị, nên ngày càng nhiều sản phẩm liên tục đổi mới ra đời phù hợp với kênh này như kem, mì ly, yogurt v.v). Chính từ xu hướng thị trường thay đổi quá nhanh đòi hỏi các doanh nghiệp luôn có những chiến lược thay đổi phù hợp hơn với thị trường. Sự thay đổi có thể đến từ sản phẩm mới, dịch vụ mới, thậm chính cả hệ thống và văn hoá doanh nghiệp thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng cũng như sự tăng trưởng của thị trường và doanh nghiệp. Nên nhớ, việc đổi mới là chìa khóa cho tăng trưởng của doanh nghiệp (tăng trưởng về giá trị, sản lượng hay lợi nhuận). Nhưng liệu cách đổi mới nào sẽ hiệu quả cho doanh nghiệp? Tôi xin phép chia sẻ cùng các bạn và các anh chị bên dưới cách thức đổi mới của một thương hiệu để trở nên linh hoạt và phù hợp hơn với thị trường 1. ĐỔI MỚI NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU Hầu hết các doanh nghiệp SMEs và các Startup khi khởi nghiệp sẽ chọn hình thức tiết kiệm chi phí đầu tư thiết kế thương hiệu ban đầu. Đây cũng là lý do khiến hình ảnh thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên thiếu chuyên nghiệp và hệ thống. Việc thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hoá hình ảnh thương hiệu phù hợp hơn với thị trường và đối tượng khách hàng. 2. ĐỔI MỚI BAO BÌ SẢN PHẨM Đây là cách thức thay đổi về thiết kế, cấu trúc bao bì hoặc kích thước sản phẩm để đáp ứng mục tiêu nào đó của thương hiệu. Hay có thể là phát triển một loại bao bì mới hoàn toàn mà nó phá vỡ chuẩn mực của thị trường, tạo sự khác biệt đột phá trước đối thủ cạnh tranh và nhằm nâng cao giá trị thương hiệu qua một chuẩn mực mới. Ngoài ra, việc đổi mới bao bì sản phẩm còn phục vụ cho các chiến dịch truyền thông sự kiện hoặc các dịp lễ tết (hình thức này nhằm tạo ra sự hứng khởi ngắn hạn cho khách hàng tức thời nhờ vào tính thời vụ của nó) 3. ĐỔI MỚI GIÁ THÀNH SẢN PHẨM Là hình thức thay đổi định giá sản phẩm để đảm bảo thị phần và doanh số. (vd Sản phẩm của bạn trước đây chỉ phục vụ phân khúc thị trường địa phương nhỏ và lẻ nên có giá thành thấp để dễ cạnh tranh, nhưng giá thành thấp chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, thay vào đó người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm đã có thương hiệu hoặc kiểm chứng chất lượng, vì vậy lúc này để phát triển thị phần buộc lòng bạn phải thay đổi giá thành.) Thêm 1 ví dụ khác ( Một trong các sản phẩm của doanh nghiệp bạn đang bị thách thức bởi một thương hiệu nước ngoài chuẩn bị tấn công thị trường từ trước đên nay của bạn và có giá thành cạnh tranh hơn so với giá thành của bạn. Lúc này việc giảm giá thành để tăng độ phủ rộng khách hàng và chiếm lấy sự trung thành của khách hàng là điều cần thiết cần làm.) Vì vậy việc thay đổi giá thành sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc đảm bảo thị phần và doanh số. 4. ĐỔI MỚI ĐỊA ĐIỂM TIẾP CẬN KHÁCH HÀNG Đây là cách thương hiệu tương tác với khách hàng qua các điểm tiếp cận mới để tăng khả năng bán hàng hoặc tăng khả năng truyền tải thông điệp của thương hiệu. (vd Samsung nhận thấy giới trẻ ngày nay thích thể hiện và sống ảo tại các điểm check in giải trí hoặc các sự kiện, thì đây là địa điểm tiếp cận mới của SamSung cho các chiến lược giới thiệu sản phẩm mới, trải nghiệm sản phẩm hoặc đơn giản là gia tăng khả năng tiếp cận thương hiệu đến khách hàng. 5. ĐỔI MỚI HÌNH THỨC KHUYẾN MÃI Việc mua 2 tặng 1 hoặc giảm giá lên đến 40% và tặng voucher là những hình thức khuyến mãi phổ biến của các thương hiệu mà đi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp. Do đó nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải thay đổi các hình thức khuyến mãi hấp dẫn hơn để giúp thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn. (Một ví dụ: Hôm nay tôi có đến cửa hàng thời trang XXX để mua đồ công sở, sau khi tôi lựa chọn được 1 sản phẩm ưng ý và tính tiền, lúc này nhân viên thông báo với tôi nếu tôi mua tiếp sản phẩm thứ 2 thì sản phẩm đó sẽ được giảm lên đến 60%. Lúc này sự hấp dẫn của 60% đã lôi kéo tôi dạo quanh 1 vòng cửa hàng tiếp tục để chọn tiếp 1 sản phẩm thứ 2) Như vậy cho thấy, việc sáng tạo đổi mới trong hình thức khuyến mãi sẽ làm khách hàng cảm thấy hứng thú hơn với việc mua hàng. 6. ĐỔI MỚI SẢN PHẨM Đây là cách thức khá quan trọng và mạo hiểm với các d nghiệp đã có thương hiệu hoặc thị phần. Với sự thay đổi không đáng kể trong công thức, hình thức đổi mới sản phẩm nhằm mục đích giúp cho người tiêu dùng cảm nhận sự thay đổi này tốt hơn so với phiên bản cũ. Thật ra thì hình thức này trong business đôi khi tạo ra nhằm giảm chi phí sản phẩm đánh kể như giảm công thức sản phẩm hay thay thế bằng một nguyên vật liệu có giá rẻ hơn và như thế tạo ra lợi nhuận cao hơn nhưng vẫn khiến cho người tiêu dùng cảm thấy phiên bản mới tốt hơn so với phiên bản cũ. Lưu ý: Việc thay đổi này các business ngầm hiểu nó phải được đảm bảo dù nguyên liệu thay thế nhưng chất lượng phải được tương đương hoặc tốt hơn. Tất cả các cách thức trên được gọi vui là "RƯỢU CŨ BÌNH MỚI" mà tôi đã chia sẻ cùng các bạn và các anh chị, cũng xin nói thêm trong bài viết này tôi hoàn toàn hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên môn trong ngành Marketing để một số các bạn và các anh chị có thể dễ hiểu nội dung hơn. Vì vậy có thể cách dùng từ thay thế thuật ngữ chuyên môn của tôi chưa được hay lắm, mong các bạn và các anh chị thông cảm. Cảm ơn các bạn. DIỆP BÙI CEO & Founder Lionbui