Khi một cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp thì ở trường hợp này có hai sự lựa chọn cho chủ sở hữu đó là thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc Công ty TNHH một thành viên. Về vấn đề trách nhiệm đối với các hoạt động của doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Ở đây có sự tách bạch về tài sản của chủ sở hữu và tài sản của công ty nên trong quá trình kinh doanh chủ sở hữu hạn chế được rủi ro. Doanh nghiệp tư nhân do không được trao tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn về các hoạt động của doanh nghiệp, sự tách bạch về tài sản của chủ sở hữu và công ty là không có dẫn đến khi doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính thì chủ sở hữu phải sử dụng tài sản của chính mình để chịu trách nhiệm. Đây có thể coi là một hạn chế của doanh nghiệp tư nhân so với Công ty TNHH một thành viên. Trường hợp một tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp: thì chỉ được thành lập Công ty TNHH một thành viên mà không thể thành lập doanh nghiệp tư nhân vì doanh nghiệp tư nhân phải do một cá nhân làm chủ sở hữu. Trường hợp nhiều cá nhân/tổ chức cùng thành lập doanh nghiệp Lúc này có hai sự lựa chọn cho các cá nhân/tổ chức tham gia góp vốn đó là thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp này đều có những ưu, nhược điểm khác nhau nên Qúy khách hàng cần cân nhắc khi quyết định thành lập. Thường khi một số cá nhân hoặc tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp thì họ đã có mối quan hệ quen biết, tin tưởng nhau từ trước và việc thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ giúp cho các thành viên kiểm soát được vấn đề quản lý công ty và việc chuyển nhượng vốn của các thành viên khác. Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức khi tham gia góp vốn thành lập công ty đều nắm bắt được tình hình hoạt động của công ty một cách dễ dàng. Mặt khác, công ty cổ phần thì bất kỳ ai cũng có thể là cổ đông của công ty và việc chuyển nhượng vốn là tương đối dễ dàng nên quá trình quản lý nội bộ tương đối khó khăn. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp với quy mô vừa phải, vấn đề quản lý doanh nghiệp không quá phức tạp thì ban đầu nên thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Sau đó, trong quá trình hoạt động muốn phát triển công ty ở quy mô lớn hơn và tham gia thị trường chứng khoán thì sẽ tiến hành chuyển đổi loại hình từ Công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty cổ phần.