Thứ nhất phải kể đến đó là chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ. Nguyên nhân này chắc hẳn ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có thể tuyệt đối tuân thủ 100%. Dù vậy, hãy hạn chế “bỏ đói” dạ dày, ăn đúng bữa. Thứ hai, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày. Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài không chỉ gây nguy hại cho dạ dày mà còn làm tổn hại tới gan. Còn độc hại từ thuốc lá thì không ai có thể phủ nhận. Nicotine trong thuốc lá kích thích tạo acid hydrocloric (acid dịch vị) và pepsin làm tăng sự phá hủy thành niêm mạc dạ dày. Thứ ba, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày và viêm, loét dạ dày. Tỷ lệ mắc các bệnh dạ dày đang ngày càng tăng cao do áp lực cuộc sống trong xã hội hiện nay. Thứ tư, tuỳ tiện sử dụng thuốc, tự ý điều trị khi không có sự chỉ định kê đơn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc giảm đau và kháng sinh sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến dạ dày, sử dụng lâu dài và không đúng cách có thể dẫn đến loét dạ dày, xuất huyết dạ dày. Thứ năm, đây là nguyên nhân có thể ít ai biết đến, nhưng nó lại đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về dạ dày, đó là vi khuẩn Helicobacter Pylori (viết tắt là HP). Theo thống kê tại hội nghị khoa học tiêu hóa gan mật năm 2017 cho biết, có khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm khuẩn HP. Ở Hà Nội, cứ 1000 người thì có tới 700 người bị nhiễm HP còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 90% người bị viêm dạ dày có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Một con số đáng báo động. Chính vì ít người biết đến sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày nên bệnh dạ dày thường không được chữa trị dứt điểm, hay tái phát.