Khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng, Các bên tham gia ký kết hợp đồng đặc biệt là các cá nhân thường không chú trọng đến thẩm quyền ký kết của đối tác như thế nào? Họ có đủ thẩm quyền? Có vượt quá thẩm quyền thực hiện giao dịch này hay không? Thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền và khi xảy ra xung đột, công ty không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng (thường là do việc thực hiện hợp đồng không còn có lợi cho họ) đã lấy lý do người ký không đúng thẩm quyền để thoái thác trách nhiệm. Điều này đã gây nhiều phiền toái, cũng như thiệt hại cho đối tác, đặc biệt với những hợp đồng có giá trị lớn thì thiệt hại là không hề nhỏ. Công ty không chịu bồi thường thiệt hại cho đối tác vì cho rằng người ký hợp đồng không nhân danh công ty, còn cá nhân ký kết hợp đồng hoặc thoái thác trách nhiệm hoặc không có khả năng tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại quá lớn của đối tác. Vậy trong trường hợp này, đối tác phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Trách nhiệm với đối tác thuộc về công ty hay cá nhân người ký hợp đồng? Thực tế giải quyết khi xác định trách nhiệm của công ty, của người ký đối với những hợp đồng vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền. Qua đó, mỗi tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích của mình nếu đã ký hợp đồng hoặc có thể tránh được việc ký kết hợp đồng với người không có thẩm quyền. Ba trường hợp điển hình của hợp đồng vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền Thực tế, hợp đồng vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền thường rất đa dạng về chủ thể ký kết, nhưng tựu chung lại sẽ rơi vào một trong ba trường hợp dưới đây: Người ký là đại diện theo pháp luật của công ty nhưng không có thẩm quyền ký kết. Đây là những trường hợp mà theo quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty trước khi ký hợp đồng phải có quyết định hoặc thông qua của Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị (đối với công ty CP). Nhưng, khi chưa có quyết định hoặc thông qua này, người đại diện theo pháp luật của công ty đã tiến hành ký kết thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Có thể kể đến một vài trường hợp như: Khi chưa có quyết định, thông qua của Hội đồng thành viên công ty TNHH, người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ (điểm d khoản 2 Điều 56 Luật DN 2014) hoặc những hợp đồng ký kết với các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 1 Điều 86 LDN 2014; Khi chưa có quyết định hoặc thông qua của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị công ty CP, người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng đầu tư hoặc bán, vay, cho vay tài sản… có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác (điểm d khoản 2 Điều 135, điểm h khoản 2 Điều 149 LDN 2014) hoặc những hợp đồng ký kết với các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 162 LDN 2014. Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty và không có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền ký kết. Có thể kể đến một vài trường hợp như: Phó Giám đốc, Giám đốc chi nhánh, Trưởng các phòng, ban… ký hợp đồng nhưng không có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền. Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ vô hiệu một phần. Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm của doanh nghiệp và người ký kết trong trường hợp hợp đồng vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền Với những hợp đồng được xác lập bởi đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (đúng thẩm quyền ký kết) thì trong mọi trường hợp kể cả khi hợp đồng vô hiệu, doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm với đối tác bằng tài sản của mình. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 87, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015. Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, khi giải quyết hậu quả của những hợp đồng này, tùy từng trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp hoặc người ký sẽ chịu trách nhiệm với đối tác. Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện thì: “1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện”. Và Điều 143 Bộ luật Dân sự quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì: “1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.” Theo như quy định tại hai điều luật nêu trên thì: Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với đối tác nếu đồng ý hoặc biết mà không phản đối: i) việc ký kết hợp đồng của người không phải là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp hoặc ii) việc ký kết hợp đồng của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp vượt quá phạm vi đại diện; Người ký sẽ chịu trách nhiệm với đối tác nếu doanh nghiệp không đồng ý hoặc phản đối việc ký kết của họ. Luật Doanh nghiệp 2014 tuy có nhiều quy định mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt đã dành riêng Điều 14 để nói về về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật. Nhưng, cũng như Luật Doanh nghiệp 2004, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định nào nói về trách nhiệm của doanh nghiệp hay người đại diện doanh nghiệp với đối tác trong trường hợp hợp đồng vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm nếu họ đồng ý hoặc biết mà không phản đối việc ký kết không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện của người ký kết, trường hợp còn lại thì người ký kết sẽ chịu trách nhiệm. Vấn đề đặt ra là dựa vào đâu để xác định được doanh nghiệp đồng ý hay biết mà không phản đối việc ký kết đó thì pháp luật lại chưa có quy định cụ thể. Điều này đã dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, không nhất quán giữa các cơ quan, các cá nhân khác nhau; việc xác định trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp hay cá nhân người ký phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá chủ quan của người làm luật. Đối tác công ty phải làm gì để tránh rủi ro - Trước khi ký kết hợp đồng: Mọi giao dịch của doanh nghiệp đều được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Vì vậy, để tránh trường hợp giao dịch với người không có thẩm quyền của doanh nghiệp, trước khi ký kết hợp đồng, đối tác phải lưu ý kiểm tra những thông tin cơ bản sau: Kiểm tra thông tin tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty để xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người ký kết là đại diện theo pháp luật thì cũng phải kiểm tra xem hợp đồng có thuộc trường hợp phải có sự thông qua của Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị (đối với công ty CP) hay không, nếu thuộc trường hợp này thì bắt buộc phải có quyết định hoặc thông qua của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thì người đại diện theo pháp luật mới đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng; Trường hợp họ không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền. Phải kiểm tra phạm vi, thời hạn, nội dung ủy quyền để xác định chính xác thẩm quyền của người ký kết, tránh trường hợp ký vượt quá phạm vi ủy quyền. - Đã ký kết hợp đồng với người không có thẩm quyền: Trường hợp đã chót ký hợp đồng với người không có thẩm quyền của doanh nghiệp, khi xảy ra tranh chấp, để buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đối tác của doanh nghiệp phải chứng minh được doanh nghiệp đồng ý hoặc biết mà không phản đối việc ký kết hợp đồng của người không có thẩm quyền. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể nên để chứng minh được yếu tố đồng ý hoặc biết mà không phản đối của doanh nghiệp là không hề đơn giản, nhất là với những đối tác là cá nhân thì lại càng khó khăn hơn. Qua thực tế giải quyết công việc, đồng thời đã được nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận, chúng tôi xin đưa ra một vài biểu hiện được coi là doanh nghiệp đã đồng ý hoặc biết mà không phản đối viêc ký kết sai thẩm quyền, cụ thể: Việc thực hiện hợp đồng diễn ra công khai, liên tục, trong một thời gian dài tại doanh nghiệp, diễn biến cũng như nội dung thực hiện hợp đồng được phản ánh trong các cuộc họp có sự tham dự đầy đủ của người có thẩm quyền ký kết, quyết định của doanh nghiệp. Các khoản thu, chi từ việc thực hiện hợp đồng được phản ánh tại chứng từ, sổ sách kế toán hay báo cáo tài chính của doanh nghiệp và đã được báo cáo hoặc phê duyệt của chính người có thẩm quyền ký kết, quyết định của doanh nghiệp; Doanh nghiệp đã sử dụng những tài sản có được từ việc thực hiện hợp đồng vào mục đích chung mà người có thẩm quyền ký kết, quyết định đều biết; Lợi nhuận từ việc thực hiện hợp đồng được doanh nghiệp sử dụng để tái đầu tư hoặc sử dụng vào các mục đích chung của doanh nghiệp; Trong một số trường hợp nhất định có thể căn cứ vào việc doanh nghiệp đã và đang chấp nhận, thực hiện những hợp đồng được ký kết không đúng thẩm quyền tương tự. TƯ VẤN, RÀ SOÁT VÀ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG --------------------------------------------- Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng Hotline: 096 628 88 55 - 0962011118 - 02862765595 Trụ sở: 25 Vũ Tông Phan - An Phú-Quận 2-TP.HCM Email: hopdong@luatsurieng.net Website: http://www.luatsuhopdong.vn/
Nếu bạn chịu khó quan sát các tòa nhà cao tầng, các biển báo thì bạn đã nắm trong tay nguồn tư liệu tự học tiếng Nhật cực kỳ quý báu rồi!! Đó là cách mình đã tự học tiếng Nhật thêm khi ở bên Nhật, cùng Kosei xem trên các tòa nhà ghi những thông tin gì nha!