KIẾN THỨC VÀ ỨNG BIẾN

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Sinh Viên Luật, 25/4/17.

  1. Sinh Viên Luật

    Sinh Viên Luật Moderator

    Ứng biến là tầng thấp nhất của sáng tạo và là một trong những khả năng bẩm sinh được con người sử dụng nhiều nhất.

    Ứng biến là vận dụng linh hoạt những thứ đang tồn tại để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Hãy phân biệt nó với phát minh. Phát minh chính là tạo ra một thứ mới toanh, chưa từng tồn tại để giải quyết vấn đề gặp phải.

    Tài ứng biến là vô cùng cần thiết. Thiếu khả năng ứng biến thì sẽ không thể bắt kịp cuộc sống luôn xoay vòng với hàng tá các vấn đề liên tục phát sinh.

    Tuy nhiên, ứng biến không phải là tất cả của một thành công. Nhầm tưởng của nhiều người là ứng biến giỏi liền có thể giải quyết mọi vấn đề mà chiến thắng người khác, đạt được thành công.

    Một sai lầm nghiêm trọng và là lý do thất bại của vài người mà tôi quen biết.

    Theo tôi, nguyên nhân của sai lầm này chính là do nhầm lẫn về giá trị cũng như mối quan hệ của kiến thức và ứng biến.

    Kiến thức là nguyên liệu của ứng biến nên bạn chỉ có thể ứng biến nếu bạn có nền tảng kiến thức. Nói cách khác, kiến thức quyết định 80% thành công của bạn, ứng biến chỉ quyết định 20% còn lại (có thể còn ít hơn).

    Tôi xin kể một câu chuyện có thật về em họ tôi để làm ví dụ về kiến thức và ứng biến:

    Chuyện là cậu ấy nghỉ học đi làm mộc. Cậu làm 2 – 3 năm gì đấy nên kiến thức làm mộc đã có kha khá. Đầu óc cậu ấy lại rất linh hoạt nên quen biết lớn. Tìm được nhiều khách hàng, nên cậu ấy quyết định mở riêng cho mình một xưởng mộc.

    Ban đầu cậu làm có vẻ rất tốt vì cậu ứng biến giỏi, quen biết rộng. Nhưng sau đó, những lỗ hổng kiến thức bắt đầu cho thấy tác hại của nó.

    Thiếu hụt kiến thức về quản trị nhân sự và khả năng xây dựng văn hóa nhân viên nên nhân viên nghỉ việc liên tục. Nhân viên mới thường thiếu kinh nghiệm và tay nghề. Nên số lượng và chất lượng sản phẩm không tăng cao được.

    Cộng với lỗ hổng to lớn về kiến thức tài chính, đặc biệt là kiến thức về khấu hao tài sản (trong nghề mộc, các thiết bị sản xuất rất đắt tiền nên có khấu hao tài sản rất lớn). Chính vì thế, sau hơn 5 hoạt động, khi các thiết bị bắt đầu hư hỏng cần thay mới thì dòng tiền cũng bắt đầu thiếu hụt. Duy trì thêm gần 2 năm thì cậu ấy cũng phải bán xưởng và hiện đang nợ vài trăm triệu.

    Cậu ấy giỏi ứng biến và có nhiều kiến thức trong nghề mộc và tìm kiếm khách hàng. Nhưng cậu quá thiếu các kiến thức quản lý, quản trị và tài chính. Những kiến thức ấy không một sự ứng biến nào có thể thay thế được.

    Nói tóm lại, thiếu khả năng ứng biến, bạn CÓ THỂ sẽ THẤT BẠI. Nhưng thiếu kiến thức, bạn CHẮC CHẮN sẽ THẤT BẠI.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng