Không ai có thể dạy bạn trở thành một chủ doanh nghiệp

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Người đưa tin, 25/4/17.

  1. Người đưa tin

    Người đưa tin Thành viên

    (hay recap buổi nói chuyện của “bố già tài chính” Nguyễn Duy Hưng)

    Học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước, tránh vào vết xe đổ, tránh những sai lầm trong quá khứ của những người đang làm để làm nên bước đi cho mình, tạo dựng thành công cho mình. Không ai có thể dạy bạn trở thành một chủ doanh nghiệp.

    Ấy là phần mào đầu của diễn giả Nguyễn Duy Hưng tại sự kiện “Bản chất các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp qua góc nhìn và kinh nghiệm của ông Nguyễn Duy Hưng” vào chiều 23-4 tại khách sạn Rex, Q.1 - Sự kiện do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức.
    Phần mào đầu này đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng, nhất là khi ông Nguyễn Duy Hưng tuyên bố sẵn sàng trả lời, sẵn sàng tranh luận cho đến khi “khách sạn đuổi thì thôi”. Và thực tế, buổi nói chuyện đã lố 30 phút so với dự định.
    Trong số hàng trăm cử tọa đến dự sự kiện này, chắc nhiều người kỳ vọng “bố già” Duy Hưng giúp chuyện gọi vốn, rót vốn. Ví dụ như một anh đến từ Kiên Giang giới thiệu về một dự án mình đang làm và gợi ý anh Hưng rót vốn (hoặc coaching). Ví dụ như nhiều câu hỏi cũng xoay quanh chuyện làm sao huy động vốn.
    Nhưng điều đọng lại không chỉ làm sao huy động vốn, mà còn nhiều câu nói mang tính nhân sinh quan khác, nói dễ, khó làm.
    Ví dụ như: “Tôi nói những gì tôi nghĩ. Tôi làm những gì tôi nói” Hay là “Tôi chỉ bán những gì mà tôi cũng mua” (Các câu nói này, người đang recap dám cá, nhiều người ghi ngay và luôn vào sổ tay của mình). Ấy là gì nếu không phải là sự chính trực, sự cam kết. Bản thân người viết recap cũng liên tưởng đến một chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh trong buổi nói chuyện cùng học viên lớp CEO SG2 “Tôi là lời nói của tôi”. Lãnh đạo nghĩa là nói được làm được, chứ không phải nói một đằng làm một nẻo, nghĩ một nẻo, làm một hướng khác.
    Điều đọng lại của buổi nói chuyện còn là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng về định nghĩa thành công. Theo đó, đừng nghĩ rằng thành công cứ phải là chủ doanh nghiệp, mà ngay cả khi làm CEO cho những tập đoàn lớn, trở thành những cán bộ chủ chốt trong các công ty đại chúng, người đứng đầu trong các tổ chức khác cũng có thể đã là thành công.
    Và niềm tin, uy tín cũng là giá trị mà ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ cùng cử tọa.
    Ví dụ như, start up, như SMEs, bé nhỏ giữa đời, uy tín chưa có làm sao ngân hàng tin mà cho vay, nên anh Hưng chia sẻ hãy tìm cách tiếp cận các quỹ đầu tư. Khi quỹ đầu tư tin, lúc ấy sẽ đầu tư. Nên, vấn đề là làm sao phải để họ tin. Tin gì? Tin rằng, họ có tương lai cùng bạn. Rằng họ đầu tư, họ sẽ có được cái lợi từ bạn (cùng bạn) trong tương lai.
    “Còn như ngân hàng không tin, quỹ cũng không tin… thì hãy tìm đến những người tin bạn, ví dụ như bố mẹ”, câu nói tưởng như đùa này của ông Nguyễn Duy Hưng cũng đã nhận được những tiếng cười đồng cảm và những tràng pháo tay tán thưởng.
    Trả lời cho câu hỏi: Đâu là yếu tố quan trọng khi huy động vốn?, ông Hưng chia sẻ: “Nếu tôi đưa tiền cho bạn thì bạn sẽ làm gì?” Bằng việc vẽ ra một bức tranh kinh doanh trong 1, 5, 10 năm nữa đầy tính khả thi, bạn có cơ hội được các nhà đầu tư xem xét. Bạn sẽ dùng đồng tiền của nhà đầu tư như thế nào để nhà đầu tư thấy tiền xài hiệu quả và quan trọng sau đó sinh lời.
    Một câu hỏi và cũng là gợi ý đầy tính gợi mở của ông Nguyễn Duy Hưng về chuyện huy động vốn là: câu hỏi không phải là tiền ở đâu mà là chúng ta tiêu tiền vào đâu. Nếu tiền nhà chúng ta, chúng ta có bỏ vào không. Nếu câu trả lời là có, sẽ có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền vào làm cùng chúng ta.
    Ông Hưng nhắc nhở điều mà nhiều start up hay huyễn tưởng, rằng các quỹ đầu tư giàu, sớt một chút đầu tư cho mình thì có là bao; kỳ thực các nhà đầu tư không phải là nhà từ thiện... mà họ là nhà đầu tư. Người ta đầu tư là vì người ta chứ không vì chúng ta. Thậm chí, khi nhà đầu tư nhìn vào, họ đánh giá mức độ khả thi của dự án thấp hơn rất nhiều so với những điều các bạn suy nghĩ, bạn tưởng.
    Và diễn giả cũng nhắc nhở: chúng ta hay suy nghĩ cái A, cái B do mình làm ra là tốt, sẽ được người khác chấp nhận nhưng hãy nhớ thành hay bại không phải do chúng ta, mà do những người định mua cái A, cái B của chúng ta quyết định. Nếu người mua, cảm thấy vui, sẵn sàng trả tiền... thì chúng ta thành công. Còn ngược lại, nếu người ta không mua, ý tưởng chúng ta có hay bao nhiêu chăng nữa, thì “cũng thế thôi”. Chưa chắc điều bạn thấy tốt, thấy hay, nhà đầu tư đã thấy như thế. Bạn có bán thứ mà bạn sẽ mua?
    Ông Hưng cũng giúp cho người nghe hiểu một thực tế rằng: Các startup nuôi “đứa con” của mình bằng đam mê, nhưng các quỹ đầu tư đến với “ đứa con” này bằng tính hiệu quả. Nếu đam mê chuyển thành hiệu quả thì việc kết hôn mới có cơ hội trường tồn.
    Ý này được ông Hưng nhấn mạnh sau đó trong một câu trả lời khác dành cho cử tọa: Quyết định thành bại của doanh nghiệp là khách hàng đánh giá, nhìn nhận sản phẩm của mình như thế nào, và từ đó mình có khả năng để mở rộng quy mô của công ty ra bên ngoài hay không. Lấy thị trường làm điểm tựa. Nếu nhu cầu thị trường đòi hỏi, việc cần làm là tìm kiếm giải pháp để đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Các giải pháp ấy trước tiên là nguồn nhân lực, chuyện nguồn nhân lực cũng như con gà quả trứng, doanh nghiệp hấp dẫn, minh bạch với pháp luật, nhân lực giỏi mới thấy có thu nhập, có an toàn để về và ngược lại nhân lực giỏi về góp phần làm doanh nghiệp hấp dẫn.
    Liên quan đến nhân lực, một người nghe đã hỏi câu chuyện thường ngày không phải ở huyện mà ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là việc thường gặp khó khi tuyển dụng nhân sự. Có chuyện startup đào tạo nhân sự được một vài năm rồi nhân sự lại bỏ đi sang các doanh nghiệp khác, đặc biệt là nước ngoài.
    Trả lời câu hỏi này, ông Hưng cho rằng, cần tạo được môi trường mà tất cả thành viên thấu hiểu được họ có thu nhập ổn định, an toàn, ngay cả khi thị trường trồi sụt thì họ vẫn an toàn. Ông Hưng nói “Chúng ta giữ nguồn nhân lực bằng văn hóa doanh nghiệp, họ đồng hành và gắn bó với chúng ta. Cuối cùng vẫn là sự cảm nhận của nhân viên. Đừng nghĩ là tuyển một người thì người đó sẽ gắn bó với công ty suốt đời. Nếu họ thấy phù hợp thì họ sẽ gắn bó.
    Còn nữa nhiều câu hỏi đều đã được ông Nguyễn Duy Hưng trả lời rất sâu sắc, (và chân tình), mà sẽ thật tiếc nếu vì lý do gì đó bạn không tham dự được... để rồi không được lắng nghe. Và hãy làm siêng tìm trong FB này, nhiều bài recap sẻ chia những giá trị nhận được từ buổi hội thảo.
    Dịp này, ông Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ lý do phải tạm biệt group Quản trị và Khởi nghiệp, nhưng ông Hưng hứa rằng vẫn sẽ có dịp quay trở lại một hình thức nào đó, một dạng thức nào đó.
    Và buổi nói chuyện này quả thực là một món quà tạm biệt vô cùng giá trị mà ông Nguyễn Duy Hưng dành cho chúng ta.
    Cảm ơn anh Nguyễn Duy Hưng. (Xin dùng từ anh ở đây như một sự biểu đạt tình thân thiết, điều mà anh đã dành cho anh em group, và như anh em group dành cho anh).
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng