Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận. Quan hệ mua bán hàng hóa được xác lập và thực hiện thông qua hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng mua bán hàng hóa có đặc điểm chung là sự xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa cũng có những đặc điểm khác biệt so với những loại hợp đồng khác. 1. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa: Luật thương mại 2005 không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa, song có thể xác định bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng mua bán tài sản. Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán". Hợp đồng mua bán hàng hóa là một hình thức của hợp đồng mua bán tài sản. Quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập khi một người mua hàng hóa bằng tiền hoặc hình thức thanh toán khác và nhận quyền sở hữu hàng hóa đó. 2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa: 2.1. Đặc điểm chung của hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán tài sản: Là hợp đồng ưng thuận: Sau khi các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhằm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng mua bán đã có hiệu lực. Có tính đền bù: Có nghĩa là khi thực hiện giao dịch Bên bán thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa và bên mua thanh toán tương đương với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận bằng khoản tiền thanh toán. Là hợp đồng song vụ: Mỗi bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời lại cũng là bên có quyền đòi hỏi bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và liên quan mật thiết với nhau: nghĩa vụ của bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua phải thanh toán cho bên bán. 2.2. Đặc điểm riêng của hợp mua bán hàng hóa: Về chủ thể: hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Theo quy định tai khoản 1 Điều 6 Luật thương mại 2005: " Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh ". Thương nhân là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài ( trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại. Về hình thức: hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản quy định tại Điều 24 Luật thương mại 2005: “1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. 2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó” Về đối tượng: Hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai; hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại. Theo khoản 2 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: " Hàng hóa bao gồm: Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; Những vật gắn liền với đất đai." Về nội dung: hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán, trong đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền; còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. hành vi mua bán của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất hành vi thương mại. Mục đích thông thường của các bên mua bán là lợi nhuận. 3. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa: Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Trong thực tiễn, các bên thỏa thuận nội dung càng chi tiết thì càng thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng. Đồng thời quy định cụ thể những điều khoản quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: Đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng. Để được tư vấn chi tiết hơn về pháp luật hợp đồng. Quý khách liên hệ Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng. Tại đây đội ngũ Luật sư, chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật hợp đồng, sẽ tư vấn cho bạn những giải pháp tối ưu nhất. TƯ VẤN, RÀ SOÁT VÀ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG --------------------------------------------- Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng Hotline: 096 628 88 55 - 0962011118 - 02862765595 Trụ sở: 25 Vũ Tông Phan - An Phú-Quận 2-TP.HCM Email: hopdong@luatsurieng.net Website: http://www.luatsuhopdong.vn/