Vào cuối tháng 3/2020, eDoctor đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong giới khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, khi thông tin họ nhận được hơn 1 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư quốc tế là CyberAgent Ventures, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc) được giới truyền thông lan truyền. Có thể, 1 triệu USD không phải là số tiền lớn mà một startup công nghệ Việt huy động được, nhưng trong thời buổi dịch bệnh Covid-19, thì đó lại là con số mơ ước của nhiều người. Vậy tại sao eDoctor lại được giới đầu tư ưu ái như thế? Thông qua buổi trò chuyện của với Huỳnh Phước Thọ - Co-Founder kiêm Phó Giám đốc của startup này, theo chúng tôi, có 3 nguyên do chính sau: Đầu tiên, mô hình như của eDoctor đã có những bước phát triển thành công trên thế giới; thứ hai, ekip của doanh nghiệp này biết cách địa phương hóa để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; thứ ba, eDoctor có một ekip ‘xịn xò’ về công nghệ cũng như chuyên môn. Khởi đầu không suôn sẻ với mô hình tư vấn từ xa Hiện tại, 2 trong những dịch vụ nổi bật nhất của eDoctor chính là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà rồi khách hàng có thể xem kết quả xét nghiệm trên ứng dụng eDoctor và đặt lịch khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện được liên kết. Tuy nhiên, đây không phải những ý tưởng kinh doanh đầu tiên của đội ngũ các founder của eDoctor. "eDoctor được thành lập và hoạt động từ cuối năm 2014, cung cấp dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh qua tổng đài điện thoại, rồi sau đó thực hiện qua ứng dụng trên di động, đây cũng là một trong những startup tiên phong cung cấp dịch vụ Telemedicine tại Việt Nam. Tuy nhiên việc thiếu hụt nguồn lực chuyên môn do không có đủ bác sĩ, cũng như nhiều hạn chế về mặt công nghệ hỗ trợ khiến cho startup gặp khó khăn trong việc hoàn thiện mô hình kinh doanh, cũng như duy trì xuyên suốt dịch vụ", Huỳnh Phước Thọ cho biết. Nguồn: Cafebiz