Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.” Theo khái niệm này, doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm sau: Thứ nhất, đặc điểm về chủ thể thành lập doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là một cá nhân. Đặc điểm này phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác do (một/nhiều) cá nhân hoặc tổ chức thành lập công ty. Muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, cá nhân phải thỏa mãn đầy đủ những điều kiện mà luật pháp quy định. Cá nhân không thuộc các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc một hộ kinh doanh hoặc làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh trừ trường hợp các thành viên hợp danh còn lại có thỏa thuận khác. Cá nhân chỉ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh hoặc cá nhân thành viên hợp danh có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần... (Khoản 2, Điều 12 Nghị định 102/2010/NĐ-CP). Trước khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, chỉ có nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam được thành lập loại doanh nghiệp này. Nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo hình thức công ty TNHH. Ngày nay các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Thứ hai, đặc điểm về tài sản. Chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình đề đầu tư thành lập doanh nghiệp, trở thành chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp tư nhân, không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản đầu tư vào kinh doanh và những tài sản khác thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà nước không quy định mức vốn tối thiểu phải có để kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ khai báo chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. Đối với vốn bằng tài sản khác, chủ doanh nghiệp còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị của mỗi loại tài sản (Điều 142 Luật Doanh nghiệp). Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn của mình đầu tư vào doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đã đăng ký, thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi kinh doanh ở những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của số vốn được xác nhận khi thành lập doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mức vốn thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ ba, đặc điểm về giới hạn trách nhiệm. Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp tư nhân, toàn bộ doanh nghiệp và các tài sản khác của chủ doanh nghiệp tạo thành một khối thống nhất thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Tất cả khối tài sản này là giới hạn chịu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về hoạt động của doanh nghiệp, không phân biệt tài sản đó có được đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp hay không. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân là loại doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn. Gọi là doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn là để phân biệt với loại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp. Trên thực tế, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình. Vì vậy, trong quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân, vấn đề quan trọng không phải là tìm hiểu về vốn và tài sản mà doanh nghiệp tư nhân đăng ký mà là về tổng tài sản của chủ doanh nghiệp. Khi quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp cần biết rằng ở loại hình doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp không thể chia sẻ trách nhiệm của mình với bất kỳ ai. Bù lại, chủ doanh nghiệp cũng toàn quyền quyết định mọi vấn đề về tổ chức và quản lý doanh nghiệp. Thứ tư, đặc điểm về tư cách chủ thể. Ở doanh nghiệp tư nhân, không có sự tách bạch rõ ràng giữa doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp, không có sự tách bạch giữa sở hữu và quản lý. Khi thành lập công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân đặt tên cho doanh nghiệp theo quy định. Với tên gọi này, doanh nghiệp tư nhân là chủ thể của các quan hệ pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, là nguyên đơn, bị đơn hoặc là người có quyền và lợi ích liên quan trước các cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp (Điều 143 Luật Doanh nghiệp). Đặc điểm này phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp có tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp tách biệt với tư cách chủ thể của doanh nghiệp khi tham gia quan hệ pháp luật, chẳng hạn như các công ty. Do đó, thông thường chủ doanh nghiệp tư nhân tự mình quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng có thể thuê người quản lý và điều hành doanh nghiệp. Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ của các bên phải được thể hiện rõ trong hợp đồng thuê. Mặc dầu vậy, trong mọi trường hợp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp trước pháp luật (Điều 143/2 Luật Doanh nghiệp). Người được chủ doanh nghiệp thuê chịu trách nhiệm trước chủ doanh nghiệp về việc quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định trong hợp đồng và pháp luật có liên quan. Trong việc thành lập cũng như trong quá trình tồn tại, hoạt động kinh doanh, nếu vi phạm những quy định pháp luật, doanh nghiệp tư nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lĩnh vực văn hóa thông tin, thương mại, thuế, hải quan, kế toán, thống kê. Thậm chí doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.