Ngày 13/10, Apple đã chính thức vén màn những chiếc iPhone mới nhất. Và cũng như mọi năm, năm nay camera lại là một chủ đề lớn khi nhà Táo dành ra rất nhiều thời gian để "khoe" về những gì iPhone 12 Mini, iPhone 12, iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max có thể làm được. Nếu bạn đã từng xem màn trình diễn của bộ ba iPhone 11 năm ngoái, bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với cách Apple nói về camera của mình: vẫn là nhiếp ảnh điện toán, vẫn là những khung hình được quảng bá bởi người dùng "chuyên nghiệp"... Nhưng với riêng iPhone 12 Pro Max, Apple đã "khoe" một yếu tố vốn đã luôn mờ nhạt trong các sự kiện iPhone trước đây: kích cỡ cảm biến. Theo hé lộ của Apple, chiếc iPhone đắt tiền nhất sẽ mang cảm biến ảnh chụp lớn hơn 47% so với các mẫu iPhone 12 khác (cũng như các mẫu iPhone từ X đến 11). Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Apple khoe iPhone đã có cảm biến kích cỡ lớn hơn. Bất kỳ ai có hiểu biết cơ bản về công nghệ hay nhiếp ảnh đều biết rằng kích cỡ cảm biến là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với chất lượng ảnh chụp. Nói nôm na, cảm biến giống như một cái xô "hứng" ánh sáng. Ánh sáng càng nhiều thì ảnh càng rõ nét, chi tiết và càng tránh được các hiện tượng lỗi hạt, mờ, quang sai… Kích cỡ cảm biến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các bức ảnh chụp trong môi trường thiếu sáng, vốn từng là "gót chân Achilles" của smartphone trong quá khứ. Với các thế hệ trước, lý do Apple tránh nói về cảm biến rất đơn giản: chỉ số này trên iPhone luôn kém xa các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, năm 2018 iPhone XS lần đầu được trang bị CMOS 1/2.55 inch thì Huawei đã có cảm biến 1/1.7 inch cho Mate 20 Pro - kích cỡ cảm biến của điện thoại Huawei lớn gấp đôi Apple. Năm ngoái, với cảm biến 1/1.28 inch, diện tích thu sáng của Huawei P40 thậm chí còn lớn gấp iPhone 11 Pro Max tới… 4 lần. Dĩ nhiên, Apple không phải là không biết đến lợi ích của cảm biến cỡ lớn. Đằng sau quyết định gắn bó với cảm biến cỡ nhỏ trong nhiều năm là nhiều toan tính kỹ lưỡng của nhà Táo. Đầu tiên có thể kể đến thiết kế: cảm biến lớn cũng đòi hỏi ống kính có tiêu cự lớn hơn và khiến máy trở nên dày, nặng hơn. Tiếp đến, cảm biến lớn buộc các nhà sản xuất phải tăng độ phân giải, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ chụp của người dùng. Cũng không thể bỏ qua yếu tố giá cả: cảm biến lớn hơn, tân tiến hơn sẽ có giá đắt hơn, đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận giảm sút. Việc iPhone có "xô" hứng sáng quá nhỏ đã tạo thành lỗ hổng cho các đối thủ dễ dàng vươn lên vượt mặt. Quan trọng nhất, Apple "lười" nâng cấp cảm biến có lẽ là vì… không cần. Năm ngoái, iPhone 11 Pro Max vẫn dễ dàng vượt mặt những chiếc P30 Pro hay Mate 20 Pro vốn có cảm biến lớn hơn hẳn trên bảng xếp hạng DxOMark, vốn là "sân nhà" của Huawei. Bằng cách sử dụng nhiếp ảnh điện toán - đặc biệt là khả năng tăng chi tiết bức ảnh bằng cách lồng ghép nhiều khung hình, Apple vẫn có thể sánh ngang các đối thủ cạnh tranh dù gặp bất lợi về phần cứng. Nhưng đến cuối cùng thì cảm biến lớn vẫn là lợi thế. Sony, tên tuổi thống trị thị trường cảm biến camera smartphone, đã liên tục tung ra những bộ cảm biến có kích cỡ ngày một lớn hơn: 1/1.7 inch, 1/1.5 inch và năm nay là 1/1.33 inch. Các khách hàng nổi trội của Sony như Huawei, OPPO và Xiaomi vì thế càng ngày càng bỏ xa Apple về chất lượng ảnh chụp thiếu sáng. Ở vị trí thứ hai trong mảng cung ứng, Samsung năm ngoái cũng đã gây sốc khi vén màn cảm biến ISOCELL có kích cỡ 1/1.33 inch, độ phân giải 108MP. Cảm biến này được bán cho Xiaomi đầu tiên (Mi CC9 Pro), sau đó cũng được sử dụng lên các mẫu Galaxy S20 và Note 20 cao cấp nhất. Ngay từ đầu năm, các đối thủ Android này đã nhanh chóng đánh bật iPhone 11 Pro Max ra khỏi top 10 DxOMark. Trước khi iPhone 12 ra mắt, chiếc iPhone nghìn đô thậm chí đã không còn giữ được vị trí trong top 15, thua cả những chiếc smartphone đến từ thương hiệu "giá mềm" như Honor hay Redmi. Trong khi DxOMark đã luôn gây tranh cãi, sự thật là cảm biến quá nhỏ vẫn sẽ không thể thu được nhiều chi tiết như cảm biến lớn. Apple không thể tiếp tục nhờ cậy vào các thuật toán "không tưởng" (bokeh siêu chính xác trên camera đơn hay zoom số chính xác như zoom quang học chẳng hạn) để đánh bại nguyên tắc căn bản của nhiếp ảnh: "xô" càng lớn thì càng hứng được nhiều ánh sáng. Việc Apple bất ngờ tập trung vào phần cứng có thể là chìa khóa giúp iPhone giảm bớt khoảng cách với Android đầu bảng trong lĩnh vực ảnh chụp. Quyết định tăng kích cỡ cảm biến cho iPhone 12 Pro Max vì thế có thể coi là bước ngoặt quan trọng của nhà Táo. Sau nhiều năm, cuối cùng Apple cũng đã chấp nhận sự thật rằng nâng cấp phần cứng là cần thiết, thay vì chỉ phụ thuộc duy nhất vào phần mềm. Và, không chỉ dừng lại ở cảm biến, toàn bộ iPhone mới cũng đều được trang bị ống kính 7 thành phần với khả năng zoom quang học lên tới 4X. Như vậy, một trong hai ông lớn tiên phong cho nhiếp ảnh điện toán đã chọn cách trở lại chạy đua phần cứng… Các iFan có quyền mơ về một tương lai vô cùng tươi sáng phía trước: lần đầu tiên trong nhiều năm, họ sẽ được tận hưởng trải nghiệm do cả phần cứng và phần mềm tạo thành.