Để biết được trong trường hợp này H và Q có lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi cố ý trực tiếp thì cần phải hiểu được rõ thế nào là lỗi cố ý trực tiếp và thế nào là lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra (Điều 9 Bộ Luật hình sự). Về lí trí: thì người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội và thấy trước được hậu quả của hành vi đó. Về ý chí: người phạm tội mong muốn cho hậu quả phát sinh, tức là hậu quả cảu hành vi phạm tội do người phạm tội gây ra hoàn toàn phù hợp với mục đích và mong muốn của người phạm tội. Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra( Điều 9 Bộ Luật hình sự). Về lí trí: của lỗi cố ý gián tiếp thì không có gì khác so với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó. Về ý chí: khác với lỗi cố ý trực tiếp người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra, nhưng lại có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra, và hậu quả xảy ra đó thì không phù hợp với mục đích của người phạm tội. Vậy xét thấy trong tình huống này thì H không thể có lỗi cố ý gián tiếp mà phải là cố ý trực tiếp. Xét về mặt lí trí, thì cả H, M và Q đều nhận thức rõ được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội. Xét về ý chí thì cả 3 đối tượng trên đều mong muốn cho hậu quả sẽ xảy ra, cho nên H không thể mang lỗi cố ý gián tiếp. Khi M và H, Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ thì mục đích của 3 người này đã được xác định rất rõ ràng. Như vậy trong tình huống này cả H và Q đều có lỗi cố ý trực tiếp.