Ngữ pháp có quan trọng trong giao tiếp tiếng Anh không? Chúng ta cần xác định thật rõ vấn đề này dựa vào mục tiêu học tiếng Anh giao tiếp của bạn, tránh học tập sai lệch với mục tiêu dẫn đến kém hiệu quả. Ngữ pháp chưa quan trọng khi: Bạn có mục tiêu thấp, ngắn hạn khi học tiếng Anh giao tiếp: Chị bán hàng rong, bác xích lô, xe ôm trên Phố Cổ nói tiếng Anh chỉ đơn giản là để chào hàng, bán hàng. Vì vậy, họ chỉ cần nắm được từ vựng cơ bản liên quan đến mặt hàng, giá cả… đủ để khách nghe và hiểu nhanh, không cần và cũng không có điều kiện để trau chuốt ngữ pháp. Nếu bạn cũng chỉ muốn học “tiếng Anh bồi” như vậy, thì việc học ngữ pháp tiếng Anh quy củ là không cần thiết. Bạn mới bắt đầu học tiếng Anh giao tiếp từ con số 0: Lúc này, tư duy tiếp nhận của bạn với ngôn ngữ mới không khác gì một đứa trẻ. Thông thường, trẻ em “học” ngôn ngữ thông qua sự quan sát – bắt chước – nhận thức, chưa cần tới ngữ pháp. Ví dụ: Đứa trẻ thấy một người đang chạy trên đường, mẹ sẽ nói bé nghe: She is running. Và mẹ có thể nói tiếp: At this time yesterday, she was running. Rõ ràng, dù chưa biết chút nào về thì hiện tại tiếp diễn hay quá khứ tiếp diễn, em bé cũng có thể hiểu cuộc trò chuyện của mẹ. Rồi bắt chước sử dụng đúng thì trong các tình huống tương tự. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn khởi đầu học tiếng Anh một cách “phi ngữ pháp” này, bạn không thể xem nhẹ vai trò quan trọng của ngữ pháp. Vì sao vậy? 1. Ngữ pháp giúp giao tiếp được dễ hiểu, chuẩn xác Khi nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh, bạn sẽ hiểu đúng người bản xứ muốn nói gì. Thiếu ngữ pháp, bạn sẽ không thể hiểu hoặc hiểu sai nghĩa của người đối thoại. Chẳng hạn như: – I am in love with him.- I was in love with him. Sự khác biệt là rất nhỏ (am – was), nhưng “him” trong từng câu đã có mối quan hệ rất khác với người nói rồi. Thiếu ngữ pháp, bạn cũng khiến người đối thoại hiểu lầm ý mình. Thời Yahoo còn thịnh hành, tôi hẹn cô bạn nước ngoài mới quen rằng: “I’ll be online from 10 to 11”. Tôi online lúc 11 giờ kém và đinh ninh mình đúng giờ, ai dè bị mắng vì trễ hẹn. Cô ấy online chờ tôi từ 10 giờ do tôi đã sai giới từ “from-to”. Chỉ cần sai một từ thôi, cũng làm hỏng cả nội dung truyền tải như vậy đấy. 2. Tiết kiệm thời gian học từ mới Cá nhân tôi thấy nắm chắc ngữ pháp sẽ giúp bạn tiết kiệm được cả thời gian học từ vựng. Lại vẫn là tôi của thời chập chững học tiếng Anh: thường say mê các bài hát nước ngoài và tra từ điển để dịch lời sang tiếng Việt. Nhưng vì chưa được học đến các động từ bất quy tắc, tôi chỉ biết từ “begin” mà lời bài hát lại có…”begun” – thế là lại hì hục tra từ điển. Như vậy, đôi khi chỉ cần học ngữ pháp tiếng Anh tốt, bạn sẽ tiết kiệm được khối thời gian học từ mới đấy. 3. Phát triển, hoàn thiện các kỹ năng khác Ngữ pháp chính là những quy tắc của một ngôn ngữ, do đó nó mang tính quy chuẩn cao. Nếu từ vựng là nguyên liệu cho giao tiếp thì ngữ pháp có thể coi là xương sống giúp câu từ vận hành trơn tru vậy. Vì thế, học tốt ngữ pháp tiếng Anh sẽ: Phát triển tư duy: Muốn tư duy giống người bản xứ, phải nắm chắc ngữ pháp của họ. Giúp bạn đọc nhanh hơn, chuẩn hơn: hỗ trợ đắc lực trong việc tiếp thu và mở rộng vốn từ vựng phục vụ giao tiếp tiếng Anh. Rèn khả năng năng viết: Viết vừa giúp bạn mài giũa tư duy như người Anh, vừa kiểm nghiệm vốn từ vựng của bạn, qua đó nâng cao giao tiếp trở nên mạch lạc và tự tin. Đừng quên, hoạt động giao tiếp rất đa dạng và được bổ trợ bởi nhiều kỹ năng. Ngữ pháp không chỉ là quy tắc phải tuân theo một cách cứng nhắc, mà nó thực sự hữu ích cho bạn trong quá trình học tiếng Anh giao tiếp rất nhiều. 4. Nâng cao sự chuyên nghiệp, khẳng định bản thân Nếu bạn đã đọc đến đây, thì tôi tin chắc rằng: Bạn muốn học tiếng Anh giao tiếp thật bài bản để đáp ứng cho mục tiêu nghiêm túc và quan trọng: Một việc làm tốt trong công ty nước ngoài nào đó Một cơ hội thăng tiến đang chờ đón bạn Bạn mong muốn trở thành phiên dịch viên hoặc dịch thuật Bạn muốn xuất ngoại, hoặc đã xuất ngoại nhưng muốn hòa nhập nhanh… Tất cả những mục tiêu này đều góp phần chứng minh tầm quan trọng của ngữ pháp tiếng Anh trong giao tiếp: có thể khiến người đối thoại đánh giá cao, hoặc tôn trọng bạn hơn. Nói theo cách thường gọi của người Việt Nam là: “có học”. – Đối tác làm ăn sẽ có thêm lòng tin khi nghe bạn nói:“Nowhere can you buy the goods as good as those in our company”Thay vì:“We sell quality products” – Đồng nghiệp hoặc nhân viên sẽ cảm thấy lời nói của bạn quan trọng hơn khi:“You had better get here soon or you’ll miss the meeting”Thay vì chỉ đơn thuần nhắn nhủ:“You shouldn’t miss the meeting” Rõ ràng, việc học ngữ pháp tiếng Anh quan trọng thế nào trong việc giao tiếp. Dù vậy, nhiều người vẫn mau chóng chán nản, buông xuôi vì bản chất ngữ pháp là những quy chuẩn khô khan, phức tạp. Vậy cần nắm được những nguyên tắc nào để học ngữ pháp “dễ thở” hơn? Nguyên tắc cần nhớ khi học ngữ pháp tiếng Anh giao tiếp 1. Tập trung nắm chắc cấu trúc thông dụng Đừng vội bắt tay vào học những cấu trúc phức tạp, sẽ chỉ thêm sợ hãi mà thôi. Tất cả những phần khó đều là “bản nâng cấp” từ các cấu trúc thông dụng, thường dùng hàng ngày. Theo kinh nghiệm của tôi suy ra từ giao tiếp tiếng Việt, rồi sau này học thêm tiếng Nhật nữa, câu nói của bạn luôn cần quan tâm nhất 4 yếu tố sau: 01 – Chủ ngữ. 02 – Vị ngữ. 03 – Verb. 04 – Mạo từ: A – an – the 2. Tránh dùng tư duy tiếng Việt để học ngữ pháp tiếng Anh Một sai lầm khi học tiếng Anh giao tiếp “kinh điển” nhưng nhắc lại cả ngàn lần không vô ích! Nếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bạn sẽ gặp rất nhiều trục trặc. Một số từ tiếng Anh không có từ trong tiếng Việt tương ứng Nếu có, không phải lúc nào bạn cũng biết từ đó. Nếu biết, không phải lúc nào cũng có thể nhớ ngay được. Trong giao tiếp, bạn chỉ nên dành khoảng 3-5 giây để có thể bật ra được một từ không nhớ. Nếu vượt quá mức này, hãy tìm cách nói khác. Quan trọng nhất, ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Anh rất khác nhau. Nếu muốn nói “tôi nhớ đã gặp anh ở đâu rồi” – và bạn dịch “I miss seeing you somewhere”, thì sẽ còn tạo ra nhiều tình huống cực kỳ bối rối. 3. Không làm quá nhiều bài tập mà không có đáp án, giải thích Thà làm 5 dạng bài tập cơ bản nhưng có đáp án và giải thích cặn kẽ, sâu xa còn hiệu quả hơn nhiều so với việc làm 100 câu hỏi không có chất lượng. Trước đây, tôi đã được hướng dẫn rèn đến thuộc làu dạng bài xác định các thành phần trong câu. Bởi khi giao tiếp, chúng ta tập trung xây dựng câu – đoạn hội thoại là chủ yếu chứ đâu cần luyện đề lấy điểm. Hãy cố gắng rèn luyện, làm dạng bài tập phân tích thành phần câu thật thành thạo bởi nó cực kỳ thiết thực trong hoạt động giao tiếp tiếng Anh. Sau khi làm bài tập, bạn tự đặt câu hoặc nói chuyện với người nước ngoài để trôi chảy hơn. Đó là một trong những cách học ngữ pháp khi thực hành tiếng Anh giao tiếp mà tôi sẽ chia sẻ rõ hơn ở phần tiếp theo.