Trọn một con đường phần 5

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 27/3/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Thế mạnh Cạnh tranh Cốt lõi

    Hồi Martin mới về, hàng ngày cậu ấy cho tôi một danh sách những điều cần phải cải tiến ngay. Được một thời gian thì tôi không đọc nữa. Vì có đọc cũng chẳng thực hiện đượcL

    Nhân một dịp đi nước ngoài, transit qua sân bay Đài bắc, gặp mấy cô ô-sin người Việt đang nô đùa chí chóe. Hỏi ra thì các cô phải cạnh tranh ác liệt với các bạn Philippines. Mà vẫn kiếm được tiền. Tuy yếu hơn (cơ địa), lười hơn (một phần do yếu), bẩn hơn (vì ko được đào tạo), hư hơn (vì hay cãi), các cô gái Việt nam vẫn tìm ra được một điểm mạnh là nấu ăn “hợp khẩu vị hơn” nhờ tài nếm và không tuân thủ lắm sách dạy.

    Về cứ trằn trọc mãi, không hiểu cái gì là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của các lập trình viên Việt nam? Chứ cứ ngồi kiểm điểm sửa khuyết điểm chắc mạt kiếp mới lên được. Đem ra anh em mổ bò.

    Chăm chỉ, Cần cù, Kỷ luật bị loại đầu tiên.

    C++, Java… bị loại thứ hai, mới học làm sao đã thành cốt lõi được.

    Thông minh, sáng dạ… nghe thấy ưng cái bụng, nhưng lại sợ bạn test thật thì chết.

    A Bình tham gia, bảo anh không biết là cái gì nhưng chắc không phải là công nghệ, bởi nước mình lạc hậu không thể đã mạnh về công nghệ được.

    Cuối cùng chốt 2 điểm là thanh niên tri thức Việt nam rất thích học cái mới và sợ Tây. Đều có thể trở thành thế mạnh cạnh tranh được.

    Thích học cái mới thì mình cứ nhè công nghệ mới mà làm, xin bằng được thử nghiệm, thế nào cũng làm được. Chắc phải đến 80% dự án ở FS lúc bắt đầu chưa có ai biết gì cả. Về sau, các bạn khách hàng còn sưu tầm được bằng chứng thanh niên VN học nhanh gấp 2.5 lần trung bình ASEANJ

    Sợ Tây thì ý thức dịch vụ tốt, rất chịu khó nghe lời Tây. Thế nên phải tổ chức công ty thật phẳng, để nhân viên và khách hàng có thể trực tiếp tiếp xúc với nhau, bỏ qua mấy tầng lớp trung gian. Kỷ luật, chăm chỉ học mãi không vào, khách quát cái nghe ngay.

    Thế mà được việc. Mặc dù cho đến bây giờ kể ra vẫn không ai tin!

    Toàn cầu hóa.

    Tôi bị Tập đoàn kỷ luật vì tội để cho nhân viên thành lập một công ty chi nhánh ở nước ngoài mà không biết. Thật là một vụ hy hữu. Lập chi nhánh “chui”

    Số là thế này, hồi đó FSU3 tham gia đấu thầu một dự án cho khách hàng tại khắp khu vực Đông Nam Á. Khách hàng yêu cầu mình phải có chi nhánh tại tất cả các nước mà mình tham gia đấu thầu. Sợ không kịp thời gian, các em đã tự vay tiền công ty, lấy tư cách cá nhân để mở công ty rồi xưng với bạn đấy là chi nhánh của FPT. Cũng logo, khai trương đàng hoàngJ

    Thế quái nào lại lộ nên tôi bị kỷ luật. Mà oan, vì tôi có biết gì đâu. Nhưng nghĩ kỹ, vậy mới đúng là toàn cầu hóa. Có cơ hội là đi. Nước ta với nước bạn thì khác gì nhau. Nếu các em mà làm hồ sơ xin mở công ty, bảo vệ KHKD etc… chắc có khi giờ vẫn chưa mở đượcL

    So với anh em chúng tôi trước đây 10 năm, trống rong cờ mở, hô khẩu hiệu mãi mới dám đi, quả là một bước tiến quá lớn.

    Mô hình nào?

    Năm 1998, tôi có đọc một bài báo có tên là “The Cathedral (Thánh đường) and the Bazaar (Cái chợ)” của Eric Raymond. Quan điểm của tác giả: mã nguồn mở như cái chợ, mã nguồn đóng như một tòa thánh đường lộng lẫy. Nhưng nếu tuân thủ một số nguyên tắc (19 điểm), một dự án mã nguồn mở có thể vượt mặt về chất lượng những sản phẩm được đầu tư tiền tấn. Cụ thể là cuộc chiến giữa Windows và Linux. Hiện tại trên mobile, rõ ràng là “Cái chợ” Androi là hoàn toàn thắng thế “Thánh đường” Win8!

    Tuy là một bài báo kỹ thuật, nhưng nó có ảnh hưởng sâu sắc tới triết lý quản trị của tôi. Cả Việt nam, hàng ngàn năm không có những tòa nhà lộng lẫy, nên chăng ta phải tìm một phương thức khác để xây dựng một công ty lớn.

    Năm 2001, trong một dịp dẫn khách Mỹ sang Bát tràng, khách hỏi giá một đôi bình cao chừng hơn 1m, giá có $50. Rẻ quá, nhưng làm sao mang về được, tiếc thật! Tôi hỏi bừa cô chủ quán cho vui, em có chuyển đến tận nhà được không? Được ạ! Tận bên Mỹ cơ! Không sao ạ, anh cứ cho địa chỉ. Tôi viết địa chỉ, trả tiền rồi ra về. Chẳng tin là cô bé lớ ngớ lại có thể chuyển được 2 cái bình đấy cho bạn tôi. Một tháng sau, thấy bạn bảo, nhận được rồi, nguyên lành!

    Thật là kỳ diệu. Tôi đã bỏ rất nhiều giờ sang Bát tràng để ngắm cách các bạn ấy tổ chức, chia sẻ cùng thương hiệu, cùng thị trường, cùng một nguồn nguyên liệu, cùng một bí quyết mẫu mã, nhưng vẫn là những công ty riêng rẽ độc lập, không sợ cạnh tranh lẫn nhau. Té ra “làng nghề” chính là một mô hình tổ chức kinh doanh bền vững nhất của Việt nam.

    Tôi mạnh dạn lập ra các G (roup), các SU (Strategic Unit)… có thể coi đó những công ty con có chung nhau một cái tên lớn là làng “Fsoft”, những hòn đá để xây nên bức tường sự nghiệp.

    Ý tưởng F-Ville, xây dựng một ngôi làng phần mềm trên thực tế, được ấp ủ từ những ngày ấy!

    Campus – Ngôi nhà của doanh nghiệp phần mềm

    Ai cũng muốn xây/mua cho mình một cái nhà thật đẹp, ưng ý.

    Nhưng với các doanh nghiệp (trừ các ông tiêu tiền chùa ra) thì đây ra một vấn đề nan giải. Xây trụ sở đàng hoàng thì sẽ hụt ngay vào hiệu quả kinh doanh. Nên các doanh nghiệp ta thường đợi đến khi kiếm được rất nhiều tiền rồi mới xây trụ sở. Đi thuê đỡ rủi ro và thường là rẻ hơn! Tôi thì lười, nghĩ mình ở công ty có khi còn nhiều hơn ở nhà. Đã làm thì nên đàng hoàng.

    Thực ra, năm 1998, đến xem thấy trụ sở của bạn Infosys đẹp nguy nga, thích mê nhưng cũng chưa dám hỏi. Còn nhiều thứ quan trọng cần hỏi hơn. Vả lại nghĩ bao giờ có tiền hỏi cũng chưa muộn.

    Tình cờ, CanhBT là người thích xây nhà. Trước khi vào Fsoft thì anh đã tự xây mấy cái nhà, xây xong ở chán lại bán đi, xây cái khác. Tình cờ nữa là anh quyết chí lập nghiệp ở Đà nẵng. Nên khi đến Đà nẵng, anh đã bàn và xin phép tôi với a Râu được mua đất. Và sau đó được phép xây trụ sở làm việc gọi là campus, có nhà tắm, sân đá bóng, sân tập gôn, nhà ăn, phòng ngủ, thảm cỏ, vườn cây… Mới nghe, tôi đã thấy ưng ý rồi, bật đèn xanh làm liền. Năm 2010, khai trương tòa nhà, anh em rất hài lòng, tuy nhiên trong lãnh đạo tập đoàn cũng có 1 số ý kiến cho là lãng phí, xây dựng không phê duyệt theo chuẩn. May mà mấy năm sau, FDN phát triển vượt bậc nên không thấy ai hỏi gì nữa.

    Tiện tay dắt dê, FHCM nhận ngay lô đất ở Khu Công nghệ cao Thủ đức, bị chê ỏng, chê eo là quá xa trung tâm, rồi xây lên một khu tương tự như ở Đà nẵng. Vì đi quá xa, nên khi chuyển địa điểm đầu năm 2011, FHCM đã mất đến 25% quân số. Nhưng chắc đất lành, nên chỉ 1 năm sau đã bù đủ.

    Năm 2010, sang lại Infosys, thấy choáng quá. Campus của bạn bây giờ đã “to đẹp hơn mười ngày xưa”. Chỉ khu đào tạo Mysore đã có hơn 100 tòa nhà, trong một khuôn viên không khác gì thiên đường. Lần này thì đã dám mạnh dạn hỏi, bọn mày làm thế nào, từ bao giờ, hết bao tiền, sao vẫn hiệu quả cao… Té ra là bạn bắt đầu xây Campus từ năm 1991, khi bạn mới có 250 nhân viên. Bạn cũng tiết lộ, không phải có tiền mới xây nhà đẹp, mà ngược lại campus đẹp là một trong ba bí quyết để kiếm tiền.

    Thế nên, sau khi thôi nhiệm vụ ở tập đoàn, tôi đã nhận với Ban lãnh đạo Fsoft lúc đó là chị Liên làm trưởng Ban xây dựng để xây F-Ville Hòa lạc. Do trái tay nên khá vất vả. May mà cuối cùng cũng xong!

    An cư lạc nghiệp, đừng ngại xây nhà đẹp cho công ty của mình.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng