Bạn muốn đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể. Vậy bạn đã nắm được hồ sơ và thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể chưa? Cùng Bravolaw tìm hiểu trong bài viết này nhé! Hộ kinh doanh (HKD) cá thể là mô hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam, có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh khá đơn giản và dễ thực hiện tuy nhiên cũng cần đáp ứng được những điều kiện nhất định. Điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền thành lập hộ kinh doanh. Một cá nhân chỉ được đứng tên duy nhất 1 hộ kinh doanh, xét trên phạm vi cả nước. Nếu đã thành lập hộ kinh doanh trước đó thì phải giải thể rồi mới được đăng ký mới. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể bao gồm các giấy tờ sau: – Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. – Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh – Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập HKD. – Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh. – Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh (không cần công chứng). – Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có). – Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề (nếu có). Khi điền thông tin trên Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh bạn cần đặc biệt chú ý đến 5 nội dung sau để ghi thông tin cho chính xác: – Tên hộ kinh doanh: Tên phải có 2 thành tố đó là: “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”; Tên hộ kinh doanh không được chứa cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”; Tên riêng của hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của những hộ kinh doanh khác trong cùng quận (huyện/thị xã); Không được sử dụng tên tiếng Anh để đặt tên cho hộ kinh doanh, nếu muốn sử dụng tên tiếng Anh phải thì giữa những kí tự phải có dấu chấm đi kèm. Ví dụ: Hộ kinh doanh S.u.n.n.y – Địa điểm kinh doanh: Địa chỉ đăng ký hộ kinh doanh tuyệt đối không được là chung cư (trừ trường hợp hộ kinh doanh với mục đích cho thuê nhà để ở). Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng chỉ được đăng ký trụ sở hộ kinh doanh tại một địa điểm duy nhất. Nếu trước đó tại địa điểm này đã có một hộ kinh doanh thì phải yêu cầu chủ hộ cũ giải thể hộ kinh doanh cũ hoặc chủ nhà phải chủ động lên xin xác nhận hộ kinh doanh cũ đã bỏ đi không còn hoạt động tại địa chỉ này nữa. Địa chỉ thành lập hộ kinh doanh, chủ hộ phải sở hữu hợp pháp hoặc có hợp đồng thuê/mượn hợp pháp. – Ngành, nghề kinh doanh: Hộ kinh doanh cá thể được quyền đăng ký một hoặc nhiều ngành, nghề kinh doanh, chỉ cần không nằm trong danh mục ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Hộ kinh doanh được đăng ký những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. – Vốn điều lệ (vốn kinh doanh): Pháp luật không quy định số vốn điều lệ tối đa hay tối thiểu khi thành lập hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, đăng ký số vốn bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng của mỗi người và tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề mà người đăng ký muốn hướng đến. – Số lượng lao động (dự kiến): Hộ kinh doanh chỉ được sử dụng tối đa 9 lao động. Trường hợp sử dụng từ 10 lao động trở lên bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận/huyện; hoặc nộp hồ sơ online qua website của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố. Mỗi tỉnh thành sẽ có 1 website riêng phục vụ dịch vụ công của tỉnh đó. Bạn có thể liên hệ cán bộ quận/ huyện phụ trách đăng ký kinh doanh để tìm hiểu thông tin và cách thức đăng ký qua mạng. Bộ phận giải quyết hồ sơ: Cán bộ Phòng tài chính – Kế hoạch quận/huyện Thời gian giải quyết: Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. =>>>>Xem thêm Những câu hỏi thường gặp khi thành lập hộ kinh doanh cá thể? Lưu ý cần biết sau khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh cần thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp bao gồm: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Các loại thuế phí này nộp căn cứ vào doanh thu hàng năm. Hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng hóa đơn không được phép tự đặt in hóa đơn mà phải đăng ký mua hóa đơn tại cơ quan thuế quản lý. Hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân và không phải là một doanh nghiệp theo quy định nên không được phép đăng ký và sử dụng con dấu trong suốt quá trình kinh doanh của mình.