Theo Y học cổ truyền bệnh viêm loét dạ dày được mô tả trong chứng ‘‘vị quản thống’’. Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân của bệnh là do các yếu tố về tinh thần như: lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị làm tỳ không kiện vận vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn. Tức giận nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tạng can, làm can khí uất kết ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị. Nếu can khí uất lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa sẽ thiêu đốt tân dịch làm tổn thương đến vị âm làm chính khí suy tổn. Ngoài ra, còn do ngoại cảm hàn tà xâm nhập vào vị hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến tỳ vị: như ăn quá no hoặc để quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua, mặn, lạnh đều làm ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị, làm khí cơ bị trở trệ dẫn đến đau. Bệnh viêm loét dạ dày có thể phân thành viêm loét dạ dày mạn tính và viêm loét dạ dày cấp tính. Bệnh viêm loét dạ dày mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh biến viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, bệnh biến ở lớp niêm mạc. Viêm loét dạ dày cấp tính là do các nhân tố có hại dẫn đến chứng viêm thành dạ dày hoặc viêm niêm mạc dạ dày. Đối với người mắc bệnh viêm loét dạ dày, nên chú một số kiêng kỵ trong vấn đề ăn uống như sau: 1. Kiêng ăn uống không có quy luật. Nguyên tắc ăn uống của người bị bệnh viêm dạ dày là ăn ít nhưng ăn thành nhiều bữa. Đặc biệt là người già cơ thể yếu hoặc chức năng tràng vị suy giảm, mỗi ngày tốt nhất ăn từ 4 - 5 bữa, mỗi lần không nên ăn quá no. 2. Kiêng ăn uống không sạch sẽ. Trong thực phẩm ô nhiễm, biến chất có chứa nhiều vi khuẩn và độc tố gây bệnh. Chúng có tác dụng phá hoại trực tiếp đối với niêm mạc dạ dày. Cho nên, người bị viêm dạ dày phải đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống. Đặc biệt vào mùa hạ, khi ăn hoa quả tươi nhất định phải rửa sạch. 3. Kiêng ăn thức ăn quá lạnh, quá nóng và quá cứng. Thức ăn quá lạnh, sau khi ăn vào có thể dẫn tới dạ dày co lại, gây bất lợi đối với việc đẩy lùi bệnh viêm. Thức ăn quá nóng, sau khi ăn vào có thể trực tiếp làm bỏng hoặc kích thích niêm mạc dạ dày. Đồng thời, những thực phẩm quá cứng, những loại rau dại, sau khi ăn vào có thể tăng thêm gánh nặng tiêu hóa cơ giới của da dày, khiến cho niêm mạc dạ dày bị ma sát mà dẫn đến tổn thương. Từ đó làm cho triệu chứng viêm niêm mạc càng thêm nặng. 4. Kiêng hút thuốc, uống rượu, ăn những loại thực phẩm cay và có chất kích thích Ethanol có thể hòa tan lớp lipoprotein biểu mô niêm mạc dạ dày. Vì vậy, có thể gây tổn hại tương đối lớn đối với niêm mạc dạ dày. Khi hút thuốc, những chất độc hại có trong khói thuốc sẽ vào. trong khoang miệng, yết hầu và đi vào trong dạ dày. Những chất độc hại này cũng sẽ gây tổn hại đối với niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, những loại thực phẩm và đồ uống như ớt, bạch giới, hồ tiêu, trà đặc, cà phê... đều có tác dụng kích thích mạnh đối với niêm mạc dạ dày. Do đó có thể khiến cho niêm mạc dạ dày ứ máu, làm cho chứng viêm thêm nặng. Những người viêm loét dạ dày cần ngoài phương pháp điều trị hợp lý còn cần duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý và khoa học để nâng cao sức khỏe giúp rút ngắn quá trình điều trị bệnh. Xem Thêm: viêm đại tràng, điều trị táo bón sau sinh