Cách học ở Đại học khác với học phổ thông. Đại học là tự học. Các thày cô chỉ hướng dẫn phương pháp tiếp cận vấn đề và giải thích những điều mà sinh viên chưa hiểu (sau khi đã tự nghiên cứu). Nếu bạn không tự học, chỉ chờ thày cô giảng từng nội dung thì bạn sẽ thất bại. Giảng viên Đại học không có thời gian để giảng từng nội dung cho sinh viên. Những vấn đề có trong giáo trình cũng chỉ là cơ bản. Bạn cần phải nghiên cứu các văn bản pháp luật, sách bình luận, hướng dân. Đặc biệt là bạn phải biết vận dụng, liên hệ thực tế. Thông thường, sau khi bạn tốt nghiệp đại học thì những quy định pháp luật mà bạn học hầu như là đã hết hiệu lực, kiến thức của bạn đã cũ rồi. Vậy nếu bạn không tự học, tự đọc nghiên cứu, tịm hiểu thì bạn sẽ không thể vận dụng những kiến thức để giải quyết công việc… Học luật không khó nhưng vận dụng pháp luật vào đời sống mới khó. Nếu bạn học để lấy thành tích thì chỉ cần chăm chỉ, học thuộc bài là đủ. Còn nếu bạn “học” để “hành” thì cần phải hiểu rõ bản chất của vấn đề, phải học thực sự và học có mục đích và rèn luyện các kỹ năng để có thể giải quyết được các tình huống pháp lý trong đời sống thực tế. Sau đây là 7 lời khuyên giúp bạn trụ vững tại trường luật mà bản thân những người đi trước như chúng mình đã chiêm nghiệm được! 1. Đừng quên luyện kỹ năng đọc, và hãy tập thành thói quen Đọc ở đây không phải là mở từng luật, từng nghị định ra mà đọc, cũng không phải là mở các giáo trình luật ra rồi đọc từ đầu đến cuối. Vì chắc chắn bạn không thể làm được vậy, có một sự thật đọc luật một cách “khô khan” thì bạn chẳng nhớ gì và cơn buồn ngủ sẽ kéo đến ngay lập tức. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng đọc những tạp chí ngành luật của các trường đại học, tìm đến những diễn đàn Luật trên các trang mạng để tham khảo và trao đổi như Học Luật, Dân Luât hay LawNet… Đấy là nơi những người học luật, những người hành nghề luật thậm chí là những người làm luật thường xuyên tham gia và thảo luận rất bổ ích. Ngoài ra hãy tìm hiểu kiến thức xã hội, lịch sử và chính trị chính thống của những nhà xuất bản uy tín để đọc và trau dồi kiến thức. Học luật, và sau này làm nghề luật, đòi hỏi bạn phải có một nền tảng kiến thức rộng, không nên nghĩ rằng học luật thì biết luật là được rồi. Giả sử, bạn nhận tranh tụng một vụ án tranh chấp đồ cổ, mà bạn không biết một chút gì về đồ cổ, cổ vật hay lịch sử… thì bạn chịu thiệt thòi so với đối phương rồi. Cho nên hãy cố gắng tiếp thu kiến thức bổ ích càng nhiều càng tốt, càng dày càng tốt. 2. Tiếp cận với bản án, vụ án Đương nhiên, nghề luật là nghề không nhiều thì ít cũng được tiếp xúc với các bản án, các vụ tranh chấp. Nên từ thời sinh viên bạn niên tiếp xúc và làm quen với nó. Điều này không có gì khó khăn, thông thường ở thư viện các trường luật có những luận án, luận văn thạc sỹ, tiến sỹ của các khóa trước để lại. Ở đó thường có trích dẫn những bản án trong thực tế, bạn có thể đến đó đọc và tham khảo. Còn với việc tiếp xúc các vụ án thực tế thì cũng không có gì khó khăn. Bạn tham gia các phiên tòa giả định cũng là một phương án. Còn thực tế hơn nữa thì bạn tới Tòa để xem xử án luôn cũng được. Tòa án nào cũng dán lịch xử án ở bảng thông báo hết, bạn có thể theo dõi để vào xem cho biết không khí một phiên tòa nó như thế nào. Thú vị lắm đấy. 3. Đừng trốn tiết (trừ trường hợp bất khả kháng) Cái này là kinh nghiệm xương máu luôn. Vì một lần lười, ngủ nướng mình đã bỏ một tiết học môn luật đất đai. Và thật sự từ đó mình rất khó khăn, học như điên, tự tìm hiểu luật đất đai thì cực kỳ khó. Cuối kỳ ôn tập, hỏi bạn bè hú hồn mới qua được môn. Thực tế, ở lớp học các thầy cô sẽ truyền tải những kiến thức, những kinh nghiệm thực tế rất hay và bổ ích, rất dễ nhớ bài. Chứ kiến thức mà nắm được qua giáo trình thì cần gì phải đi học nữa. Cho nên mình thấy, môn gì cũng vậy, không khó nếu chúng ta có một thái độ học tập nghiêm túc. Việc học luật chỉ thật sự khó khi ta không coi trọng việc học và đón nhận nó một cách hời hợt mà thôi. Hãy đến lớp học, đừng bỏ tiết. Đó là một lời khuyên. Hehe. 4. Đến lớp học, không phải đến lớp để chép bài Mình để ý, hồi đi học con bạn mình tiết học nào nó cũng chép bài rất chăm chỉ, nhiều môn nó chép không thiếu chữ nào. Nhưng rồi sau này ôn thi nó phải hỏi lại mình, “cái này nghĩa là gì vậy mày”. Đó là hậu quả của việc cắm đầu cắm cổ chép bài mà không chịu nghe giảng. Cho nên là các bạn chép bài ít thôi, ghi những cái cần ghi, note lại những ý chính thôi chứ không cần phải chép hết những gì thầy nói, chép hết những gì thầy ghi trên bảng. Làm như vậy nhiều lúc lợi bất cập hại. 5. Nên học nhóm, nhưng nhóm ít thôi, chừng 3 – 4 người là đủ. Học nhóm là để bổ sung cho nhau. Như chuyện hồi nãy ở trên mình kể đó. Có con bạn rất riêng chép bài, mình giúp nó nhớ lại những gì thầy giảng. Nó giúp mình tìm những gì thầy ghi mà mình bỏ sót. Học nhóm tốt, làm việc nhóm hiệu quả cũng là một điều rất tốt. Đó là kỹ năng rất cần thiết để sau này đi làm. Ngoài ra, việc học nhóm, làm bài tập nhóm giúp bạn có khả năng trao đổi, tranh luận. Tranh luận là bản chất của nghề luật, cho nên đừng bỏ qua cơ hội rèn luyện khả năng. Như đã nói, đừng học nhóm đông quá, đông quá chỉ sinh ra ồn ào, dễ xao nhãng và mất tập trung thôi. 3 4 người là số lượng thành viên đẹp nhất. 6. Đừng để đến cuối kì mới ôn bài, hãy học theo kiểu “cuốn chiếu” Học tới đâu nhớ tới đó và ôn lại thường xuyên. Các nguyên tắc pháp lý, các vấn đề và phương pháp áp dụng chúng hợp lý cần thời gian thẩm thấu rất lâu. Bạn không thể nhồi nhét, và chắc chắn cũng sẽ không quá thông minh để chỉ xem bài ngay trước ngày thi cuối kỳ và vẫn nhận được điểm tốt. Nếu bạn may mắn đi chăng nữa, kiến thức pháp lý sẽ chẳng còn gì trong đầu sau khi bạn hoàn tất môn học đó. Vì vậy, hãy dành thời gian để xem lại bài thường xuyên trong suốt học kỳ. 7. Tham gia các hội thảo chuyên ngành do trường tổ chức Trường mình học mỗi tháng tổ chức 02 lần các hội thảo chuyên ngành. Ở đó trường mời các luật sư, thẩm phán, thừa phát lại và các giám đốc pháp chế của các công ty lớn… về để trao đổi trò chuyện cùng sinh viên. Mình không bỏ lỡ một buổi nào, thực sự, mỗi buổi như thế rất rất có giá trị đối với mỗi Sinh Viên Rao Vặt chúng ta. Nên hãy tận dụng tối đa nếu có thể bạn nhé.