5 HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ PHỔ BIẾN VÀ NHỮNG VỤ VIỆC GÂY XÔN XAO

Thảo luận trong 'Quản trị và Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Administrator, 29/3/17.

  1. Administrator

    Administrator Administrator Thành viên BQT Thay đổi để phát triển!

    Nhân việc trên group chúng ta mới có vấn đề về quyền tác giả, mình xin mạn phép giới thiệu một bài về những vi phạm quyền tác giả phổ biến.

    Để các bạn dễ đọc và có hứng thú, bài viết được viết dưới dạng báo chí, bài viết trên mạng xã hội, kết hợp quy định pháp luật và nêu những thông tin vụ việc lùm xùm về quyền tác giả, chứ không đi sâu phân tích, trích dẫn quy định pháp luật mang tính chuyên môn nặng nề, nhằm để các bạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau biết được những hành vi vi phạm về quyền tác giả phổ biến hiện nay. Sau bài này những ngày tới mình sẽ viết tiếp những bài pháp lý dưới dạng số 5 (5 vấn đề tranh chấp về tư cách thành viên công ty, lý do và hạn chế, 5 lưu ý khi soạn thảo điều lệ doanh nghiệp…nếu được đăng).
    Theo định nghĩa của luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009 (SHTT) hiện hành, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả ngày càng trở nên quen thuộc với các cá nhân, tổ chức trong cuộc sống và vốn là quyền được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên trong thực tế quyền tác giả vẫn thường xuyên bị vi phạm bằng nhiều hình thức với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Hãy cùng mình điểm qua 5 hành vi nhiều cá nhân, tổ chức “vô tư” xâm phạm mà đi cùng với nó là những vụ việc lùm xùm về quyền tác giả gần đây được chú ý.

    1. Sử dụng tác phẩm mà quên tác giả:

    Trước đây trên nhiều phương tiện truyền thông và diễn đàn, mạng xã hội đã xôn xao về vụ việc vi phạm bản quyền của VTV với ông Bùi Minh Tuấn, khi mà VTV sử dụng đoạn clip quay bằng flycam của ông Tuấn nhưng lại điều chỉnh về tên tác giả và logo. Trong diễn biến căng thẳng của vụ việc, ông Tuấn đã gửi đơn lên Youtube và Youtube đã khóa kênh VTV, chờ sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp xấu, kênh VTV từ trước tới nay trên Youtube sẽ bị xóa. Theo thông tin vụ việc nhiều chuyên gia cho rằng VTV đã vi phạm quyền đứng tên tác giả của ông Bùi Minh Tuấn đối với đoạn clip của mình. Bởi lẽ theo luật sở hữu trí tuệ, khi sáng tạo ra 1 tác phẩm, tác giả có quyền nhân thân về đặt tên, đứng tên thật hoặc bút danh, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng (điều 18, 19, 20 luật SHTT). Hành vi đăng, trích dẫn không những không để tên tác giả mà còn thay bằng tên mình hoặc tác giả khác cũng không phải hiếm trên thực tế và trên mạng.

    2. Đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc…diễn ra thường xuyên

    Cách đây chưa lâu trong giới văn học diễn ra việc xôn xao, tranh cãi về vụ việc tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư bị tố cáo là “đạo thơ” đối với bài thơ “Buổi sáng “của nhà thơ Thường Đoan. Bởi trên thực tế, đã hơn 15 năm kể từ ngày công chúng được nghe ca khúc “Buổi sáng ở cafe Catinat” của Phú Quang phổ từ bài thơ này, và sau đó, Buổi sáng được Thường Đoan đưa vào tập thơ có tên Đếm cát, xuất bản năm 2003. Cũng vì thế, Hội nhà văn đã thu hồi giải thưởng đã trao cho nhà thơ Phan Huyền Thư và tập thơ “Sẹo độc lập”, đồng thời tuyên bố của nhà thơ Phan Huyền Thư sẽ hủy bài thơ Bạch Lộ trong tất cả những lần tái bản sau của “Sẹo độc lập”. Hay như mọi người vẫn chưa quên câu chuyện lùm xùm về nghi vấn “đạo nhạc” của ca sỹ Sơn Tùng – MTP đối với ca khúc “chắc ai đó sẽ về” đạo nhạc từ 1 ca khúc của Hàn Quốc hay trước đó là ca khúc “cơn mưa ngang qua”…

    Những vụ việc như thế này cho thấy những hành vi như cắt xén, chỉnh sữa...tác phẩm của người khác để làm tác phẩm của mình diễn ra thường xuyên. Những hành vi này làm phương hại tới quyền tác giả và tác phẩm bị cắt xén, chỉnh sữa, ăn cắp, do đó luật SHTT coi hành vi này là xâm phạm, vi phạm quyền tác giả.
    Khoản 4, điều 19 luật SHTT quy định tác giả có quyền nhân thân để “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.” Và những hành vi này theo khoản 5 điều 28 là vi phạm quyền tác giả.

    3. Vô tư sao chép sách, in đĩa lậu, quay phim trộm…

    Hàng ngày có thể chúng ta vẫn vô tư sao chép các giáo trình, bài báo, bài viết…nào đó để sử dụng, quay lại 1 bộ phim đang trình chiếu, copy đĩa ca nhạc của một ca sĩ... mà không biết rằng mình đang vi phạm quyền tác giả. Bởi lẽ trừ trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân, sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu thì việc sao chép tác phẩm phải xin phép chủ sở hữu của tác phẩm. (khoản 6, 9, 10…luật SHTT)

    Những trường hợp như phim “Dòng máu anh hung” bị rỏ rỉ bản lậu sau khi công chiếu làm ảnh hưởng doanh thu, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh … bị in lậu không biết bao nhiêu lần, hay các đĩa ca nhạc của ca sĩ bị in lậu thì như cơm bữa, đã gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu quyền tác giả. Hay mới đây nhất là vụ một Sinh Viên Rao Vặt mang giáo trình photo vào trường suýt bị nhà trường đình chỉ học gây xôn xao cũng là ví dụ. Việc chúng ta thực hiện những điều trên mà không bị sao không có nghĩa là chúng ta không vi phạm luật.

    4. Chương trình “Qùa tặng cuộc sống” và hành vi chuyển thể, dịch, biên soạn…tác phẩm

    Chương trình “Qùa tặng cuộc sống” là chương trình được yêu thích trên VTV. Để thực hiện chương trình, đơn vị thực hiện đã tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn và xây dựng chương trình từ nội dung của các tác phẩm đoạt giải. Tuy nhiên, sau khi trình chiếu trên sóng truyền hình thì có tiết mục bị tố cáo vi phạm bản quyền. Một họa sĩ cho biết, tiết mục của chương trình gần giống với một truyện tranh được anh sáng tác cách đây 3 năm. Tuy nhiên phía đơn vị thực hiện chương trình Qùa tặng cuộc sống đã né tránh biện luận rằng, tác giả gửi bài về dự thi đã ký cam kết chịu trách nhiệm về quyền tác giả, đơn vị không có trách nhiệm mà chỉ hỗ trợ để các bên đối chất nhằm tìm ra người sở hữu quyền tác giả thật sự.
    Trong trường hợp này, tác phẩm chương trình “Qùa tặng cuộc sống” phát sóng trên truyền hình phát sinh từ tác phẩm gốc là truyện ngắn dự thi, luật SHTT gọi tác phẩm này là tác phẩm phái sinh.

    Quyền làm tác phẩm phái sinh là quyền tài sản của quyền tác giả nên được luật SHTT bảo vệ, khi tổ chức, cá nhân khác thực hiện các tác phẩm phái sinh phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định (trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị). Do đó trong trường hợp này, đơn vị thực hiện chương trình truyền hình phải có trách nhiệm phối hợp để xác định xem truyện ngắn dự thi có vi phạm quyền tác giả hay không và tác giả thực sự của truyện ngắn là ai, từ đó để được sự đồng ý của tác giả thực sự. (khoản 8 điều 4, khoản 1 điều 20, khoản 7 điều 18 luật SHTT)

    5. Tự ý truyền đạt tác phẩm tới công chúng và vụ kiện của Xuân Bắc, Tự Long

    Mọi người khi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu cũng là đang vi phạm luật SHTT. Cũng do hành vi này, mà cuối tháng 01 năm 2013, hai nghệ sĩ hài Xuân Bắc và Tự Long đã gửi đơn kiện tới nhiều cơ quan…đối với Công ty cổ phần Hãng phim DMC vì có hành vi xâm phạm quyền tác giả, lợi dụng tên tuổi của họ trong nhiều đĩa phát hành trong dịp tết năm 2013. Trong đơn kiện, các nghệ sĩ đã tố cáo công ty cổ phần hãng phim DMC vì đã phát hành ấn phẩm DVD - VCD mang tên: Hài Xuân 2013 “Nụ cười vàng 2 – Cười mười thương” trong đó tự ý sử dụng tiểu phẩm do nhóm Xuân Bắc dàn dựng, biểu diễn mà không hề có sự đồng ý hoặc xin ý kiến của Xuân Bắc và các nghệ sĩ khác.

    Nếu đúng như theo các thông tin được phản ánh, căn cứ các quy định về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả thì nhiều khả năng công ty DMC đã có nhiều hành vi vi phạm trong đó có hành vi tự ý quay lại và sử dụng tiểu phẩm “Dạy yêu vợ” do các nghệ sĩ hài dàn dựng, biểu diễn cho đĩa hài của mình đồng thời phát hành đĩa hài với số lượng lớn tới công chúng mà không thực hiện xin phép, hỏi ý kiến các nghệ sĩ, xâm hại quyền phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn của các nghệ sĩ theo quy định tại Điều 29 luật SHTT. Theo đó thì “Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”.

    Những hành vi xâm phâm quyền tác giả, theo NĐ 131/2013/NĐ-CP cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm như nêu trên có thể bị phạt hành chính với số tiền lên đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra còn phải khắc phục hậu quả, cải chính công khai, gỡ bỏ, thu hồi tác phẩm vi phạm. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị kiện dân sự bồi thường thiệt hại, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 131 BLHS “tội xâm phạm quyền tác giả”, theo đó hình phạt có thể lên tới 3 năm tù.

    Tuy nhiên bên cạnh các quy định pháp luật, thì mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức về bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm. Điều này chính là góp phần bảo vệ sản phẩm của bản thân và sáng tạo văn học, nghệ thuật.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng