10 Kinh Nghiệm Học Tập Đạt Kết Quả Cao

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm và Kỹ năng học tập' bắt đầu bởi NhânTrần, 13/9/21.

  1. NhânTrần

    NhânTrần Thành viên

    1. Tự giác
    Việc tự giác ôn tập là một điều vô cùng quan trọng. Trước tiên, tự giác là khi chúng ta không cần bố mẹ phải nhắc nhở việc học bài và làm bài tập. Khi có ý thức tự giác học, ta sẽ chủ động xem lại những kiến thức của bài cũ, làm bài tập về nhà, tìm hiểu trước các bài học, chuẩn bị bài, soạn bài mới. Bên cạnh đó, ta cũng sẽ chủ động tìm hiểu thêm những phần kiến thức mà ta chưa nắm chắc. Vì vậy, tính tự giác trong học tập là điều thiết yếu mà mỗi chúng ta cần phải có để đạt được kết quả tốt trong học tập.

    2. Phân bố thời gian học tập
    Nếu chúng ta học một môn liên tục trong thời gian dài, không có thời gian nghỉ ngơi, chúng ta rất dễ bị stress. Lời khuyên của mình đó chính là các bạn hãy học theo từng môn và mỗi môn chỉ nên học trong khoảng từ 45-50 phút, và thời gian nghỉ giữa các môn là khoảng từ 5-10 phút. Như vậy, khi học đầu óc của chúng ta sẽ không bị quá căng thẳng. Và chúng ta cũng không nên học bài quá khuya, đến 12h đêm các bạn vẫn chưa học bài xong, các bạn hãy đi ngủ và tiếp tục học bài vào khoảng từ 4-5h sáng ngày hôm sau, như vậy chúng ta sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn, học dễ vào hơn.

    3. Học tới đâu, chắc tới đó
    Việc nắm vững các kiến thức là điều mà ai cũng quan tâm. Vậy làm cách nào ta có thể nắm vững được chúng? Trước hết, ta cần hình thành cho bản thân một thói quen đó là đọc lại bài cũ và soạn trước bài mới. Việc đọc lại bài cũ sẽ giúp cho chúng ta nhớ được các kiến thức mà thầy cô đã giảng trên lớp. Đồng thời, ta cũng cần chăm làm các bài tập, các dạng bài mà các thầy cô ở trên lớp giao để nắm vững được những công thức, kiến thức của bài học. Còn việc soạn, đọc trước bài mới sẽ giúp cho chúng ta phần nào nắm trước được lượng kiến thức mà ta sẽ học trong các tiết tới, cũng như giúp ta chú trọng được những kiến thức mà ta thấy khó hiểu để các thầy cô có thể giải đáp giúp cho chúng ta.

    4. Tập trung nghe giảng và ghi bài đầy đủ
    Việc chúng ta tập trung lắng nghe các thầy cô giáo giảng bài đã giúp cho ta nắm được 60-70% kiến thức của bài học. Phần còn lại chính là việc chúng ta có ghi chép bài đầy đủ bài. Việc ghi chép bài đầy đủ không chỉ giúp ta có thể nhớ bài lâu hơn mà đó còn là tài liệu để cho chúng ta ôn tập lại kiến thức cũ trước khi bước vào các kì thi.

    5. Đừng ngại đọc sách và ngại thắc mắc
    Ngoài những kiến thức mà các thầy cô đã dạy ở trên lớp, về nhà chúng ta nên đọc thêm sách giáo khoa và đọc những cuốn sách nâng cao để tích lũy thêm kiến thức. Trong quá trình học nếu như ta không hiểu phần nào, ta có thể giơ tay hỏi các thầy cô để được giải đáp. Đừng ngại, các thầy cô chính là người giúp ta giải đáp những thắc mắc, nếu bạn ngại hỏi, vậy bao giờ bạn mới tìm được đáp án cho câu hỏi đó? Nếu bạn ngại hỏi trước lớp, bạn có thể hỏi các thầy cô vào giờ nghỉ giải lao hoặc cuối buổi học, các thầy cô luôn sẵn lòng để giải đáp cho bạn.

    6. Chăm làm bài tập và luyện đề
    Bài tập về nhà là những dạng bài mà thầy cô muốn chúng ta nắm vững kiến thức sau mỗi tiết học trên lớp. Đây cũng chính là một cách mà các thầy cô giúp ta ôn tập tốt hơn cho các kì thi. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên lười làm bài tập về nhà. Gần đến các kì thi, thầy cô thường ôn luyện các dạng đề của các năm trước. Đó cũng là một cách để ta nắm chắc các kiến thức hơn cũng như làm quen với các dạng bài tập trong đề thi. Vì vậy, chúng ta không nên ngại hay lười làm chúng. Biết đâu nhờ chăm làm các dạng đề, quen các dạng bài nên ta có thể đạt được chất lượng tốt trong các kì thi.

    7. Đừng tạo cho mình áp lực quá nhiều
    Việc có kết quả học tập tốt là điều mà ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều khiến cho học sinh chúng ta cảm thấy áp lực nhất. Chính việc đặt nặng kết quả học tập đã tạo áp lực, khiến cho bản thân mình cảm thấy mệt với việc học. Không nên so sánh kết quả học tập với nhau mà hãy trở thành đôi bạn cùng tiến. Vì vậy, đừng tạo cho bản thân mình quá nhiều áp lực. Hãy học tập và thư giãn.

    8. Tâm lí trước khi đi thi
    Chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy lo lắng và khá sợ hãi trước khi đi thi. Tuy vậy, mình khuyên các bạn trước giờ thi, các bạn nên hạn chế việc ôn lại bài. Bởi nếu sát giờ thi mà các bạn vẫn ôn sẽ rất dễ bị lẫn kiến thức, dẫn đến khi vào phòng thi sẽ rối và không làm được bài. Vì vậy, trước khi thi, ta cần phải giữ vững cho mình một tâm lí ổn định, thoải mái, không được quá căng thẳng. Không chỉ có vậy, các bạn cũng cần phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, không học quá khuya, ăn uống đầy đủ chất, tránh việc nhịn đói.

    9. Hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử khi học bài
    Các thiết bị điện tử là một công cụ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc học tập cũng như tra cứu thông tin cho bài học. Thế nhưng việc quá lạm dụng chúng khi học tập sẽ khiến cho ta lúc nào cũng sẽ bị phụ thuộc, không chủ động. Trong quá trình thi cử, chúng ta không thể sử dụng các thiết bị điện tử để hỗ trợ. Vì vậy, nếu thực sự cần thiết thì chúng ta mới sử dụng các thiết bị điện tử, còn không, hãy để tắt nguồn chúng đi hoặc cất chúng vào nơi mà ta không thể nhìn thấy.

    10. Đừng ngủ quên trên chiến thắng
    Đây cũng là điều mà mình đã thấy rất nhiều người mắc phải. Giả dụ các bài kiểm tra của bạn đều đạt điểm cao, ắt hẳn bạn sẽ rất tự tin về sức học của mình. Nhưng đây lại là một điều vô cùng nguy hiểm. Nếu như bạn không tiếp tục cố gắng, thì chỉ giậm chân tại chỗ, mọi người xung quanh bạn vẫn đang tiếp tục tiến lên phía trước, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lại, thậm chí có thể bị mọi người bỏ lại phía sau. Vậy nên tuyệt đối đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, dù kết quả có ra sao bạn vẫn phải luôn nỗ lực bước về phía trước.

    Trên đây là những phương pháp học tập của mình cũng như những điều mà mình đã rút ra được từ quá trình học tập. Mình mong nó có thể giúp ích các bạn phần nào trong việc cải thiện kết quả học tập cũng như chuẩn bị cho kì thi vào 10 nhé. Mình chúc các bạn sẽ đạt được thành công trên con đường mà các bạn đã chọn.

    Nguồn: Sưu Tầm
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng